Lớp tuổi chúng tôi không mấy ai không biết về tranh Đông Hồ. Nhưng khi đọc “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm thì vẫn tha thiết yêu, khao khát muốn kiếm tìm và thêm lần chiêm ngưỡng. Con gái tôi đang dạy môn Họa ở trường THCS, nó gửi đứa em đang học ở Hà Nội tìm mua được mấy bức tranh Đông Hồ như: Tranh gà, lợn, hứng dừa và cả “Đám cưới chuột” để treo trong nhà dịp Tết. Nhân năm Mậu Tý đến, xin có đôi điều tản mạn về bức tranh “Đám cưới chuột”.
“Đám cưới chuột” không đơn giản là bức tranh sinh hoạt ngộ nghĩnh mà chủ yếu là lời chế giễu và phê phán, tố cáo sâu sắc một lớp người của một thời trong quá vãng...
|
|
Trên nền tranh xám vàng sậm gợi sự bức bối (khác với màu vàng mơ trong tranh gà; màu hoa lý gợi sắc xuân trong tranh hứng dừa...) tác giả dồn nén hai hoạt cảnh trước và trong ngày rước dâu, lối tả đầy đủ mọi hành vi, sự kiện. Bức tranh chia hai diện trên, dưới. Hẳn là chuyện trước sau? Đây là cảnh rước dâu. Chú rể cưỡi ngựa. Cách trang phục rõ là một quan chức nào đó. Nếu không cũng là một “cậu ấm”. Hắn quay đầu lại, nét mặt vênh váo, lố bịch hơn hân hoan, hạnh phúc... Liền sau chân ngựa, anh hầu cứng nhắc tuân lệnh, nhưng lọng chỉ che cho mình; anh vác biển “nghinh hôn” còn mãi ngó sang hai nàng khênh kiệu cô dâu, cái biển ngả ngớn trên vai muốn buông lời chòng ghẹo (ta biết chắc hai phu kiệu phía trước là nữ bởi tác giả dân gian đã thú vị vẽ họ không râu). Ngồi trong kiệu cô dâu chít khăn lượt, mặc áo gấm, nhưng lại ... lẹm cằm. Có phải tác giả ý muốn hài hước : cô ả sứt môi lấy cậu lưng gù như trong truyện vui dân gian? Đó cũng chỉ là một nét tô thêm cho nụ cười mỉm của người xem thôi. Cái chính là cô ta có cái dáng của bà quan ngồi kiệu hơn là một cô dâu e ấp, ngượng ngùng. Cuộc hôn nhân này thực là “đôi lứa xứng đôi (!)”. Hai anh phu kiệu phía sau sao lại ngoảnh mặt đi? Anh ta khó chịu hay bất bình vì phải khiêng một người không xứng đáng? Đám rước dâu còn đâu là “hỉ sự” !
Mảng thứ hai chồng lên mảnh thứ nhất là cảnh tiến cống. Ngay trên đầu chú rể là một ông mèo sụ, da trắng, mắt xanh lè, trợn trừng giơ một tay nhận lễ. Trước mắt “ngài” kẻ “tống lễ” run rẩy hai tay tiến dâng một con chim; phía sau, một kẻ hai tay xách con cá, sợ ngay râu, rúm cả người, mắt hết cả tinh lạc, trắng dã. Đám “tác lạc” theo sau là “lão thử” (chuột già) và một con chuột chúc kèn xuống đất thổi. Hẳn là điệu kèn ấy cũng ủ ê sầu thảm? Còn đâu là lễ nhạc tưng bừng mua vui như chú rể mong muốn khi sai đi “tống lễ” bề trên? Nhìn ông mèo bệ vệ, to như một ông ba mươi, đầu nổi bướu tham ấy thì con chim, con cá kia đáng gì cho một bữa lót dạ? Sau đó thân phận kẻ lót lễ tự đến miệng hùm này sẽ ra sao? Vì thế mà chúng sợ, chúng run, chúng sầu, chúng thảm?!
Ai cũng biết mèo là kẻ thù không đội trời chung của cả loài chuột. Vậy mà không hiểu sao trong cái ngày hạnh phúc nhất của đời mình, vì lẽ gì mà chú rể chuột lại mang đồ tiến cống? Hẳn là chuột muốn làm trọn phận tôi con? Bức tranh có nét tố cáo sự cấu kết hèn hạ đến vô liêm sỉ với kẻ thù ngoại bang của tầng lớp phong kiến.
Bức tranh ghi đủ 10 chuột quân hầu, 4 chuột đen, 6 chuột khoang. Tất cả đều ở trần, phải đâu là ngẫu nhiên vô tình? Mỗi chuột một dáng vẻ biểu hiện một tâm lý khác nhau, một phản ứng khác nhau trong đám rước. Người nghệ sĩ dân gian rất chú ý miêu tả những cái đuôi: đuôi sợ hãi quắp chặt hoặc cứng đơ, đuôi nghịch ngợm ngo ngoe, đuôi mệt mỏi kéo lê, đuôi nặng nề chống chống như một cái chân thứ ba. Nét bút của người vẽ thật tài hoa biểu thị sự quan sát tinh tế, một kỹ năng điêu luyện.
“Đám cưới chuột” có những nét hài nhưng nhìn chung tính chiến đấu rất cao do sức tố cáo phê phán mạnh mẽ. Thái độ của tác giả thật rạch ròi qua từng nét vẽ, mảng màu.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16 cũng đã có bài thơ “Ghét chuột”. Đứng về phía người dân, quan trạng đã lớn tiếng mắng gay gắt bọn tham quan hại dân tàn nước, khoét rỗng kho đụn, phá nát mùa màng. Bức tranh dân gian này khai thác từ một khía cạnh khác. Nhưng chỉ với con chim, con cá, tức sơn hào hải vị làm đồ cống quan thầy, thì ta cũng hiểu bọn này đã lấy từ đâu! Năm Tý, đôi điều tản mạn xung quanh việc xem lại bức tranh “Đám cưới chuột”, để góp thêm tiếng nói trong dòng chảy của những tiếng nói chống lại nạn quan tham nhũng nhiễu, những kẻ luôn tìm cách đục khoét của công, đục khoét sức dân vì lợi ích của riêng mình.
Như Ý