12/03/2017 - 19:14

Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông sản sạch

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ cho rằng, quy mô dân số đô thị tăng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp với khối lượng lớn, chủng loại đa dạng, chất lượng cao hơn. Đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên bức thiết. TP Cần Thơ đang dần hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, chuyên canh như: vùng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, rau an toàn, hoa kiểng, mô hình nông nghiệp đô thị... để đáp ứng yêu cầu "ăn sạch, sống khỏe".

* Hiện nay, thành phố đã xây dựng được những mô hình điểm nào trong việc thực hiện Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP Cần Thơ, thưa ông?

- Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 3 hợp phần trong Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP Cần Thơ gồm: xây dựng vùng chuyên canh hoa, kiểng (quận Cái Răng, Bình Thủy và huyện Phong Điền), vùng chuyên canh rau an toàn (quận Cái Răng, Thốt Nốt và Bình Thủy), mô hình nông nghiệp đô thị (quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Phong Điền). Đây là những mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện để nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với lợi thế trồng cây ăn trái, thời gian qua trên địa bàn huyện Phong Điền đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng vườn kiểu mẫu với diện tích hàng chục đến hàng trăm héc-ta. Điển hình như vùng trồng vú sữa ở xã Giai Xuân; dâu Hạ Châu của xã Nhơn Ái; trồng nhãn trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa, Trường Long... Thành phố cũng khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh. Đó là vùng sản xuất rau an toàn tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao tại quận Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và huyện Phong Điền với tổng diện tích khoảng 2.079ha, sản lượng ước đạt 32.280 tấn; mô hình chuyên canh hoa kiểng, bonsai tại các quận, huyện gần trung tâm thành phố lợi nhuận thu được cao hơn từ 2-5 lần so với các loại cây trồng khác. Các mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu cũng được quan tâm triển khai thực hiện.

Làng hoa Bà Bộ (quận Bình Thủy) là một trong những địa điểm được chọn triển khai hợp phần vùng chuyên canh hoa kiểng. Ảnh: MỸ THANH

* Theo ông, quá trình triển khai các hợp phần trong Đề án có những khó khăn gì không?

- Sản xuất nông nghiệp nói chung cũng như việc triển khai các hợp phần trong Đề án phải đối mặt với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những rủi ro, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển đối với cây trồng vật nuôi. Mặt khác, giá cả một số loại vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, chất lượng khó kiểm soát ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư sản xuất của nông dân. Một số hộ nông dân chưa áp dụng triệt để các quy trình ứng dụng kỹ thuật, cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo. Do vậy, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với đầu tư của người dân.

- Ngày 31-10-2013, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định số 3425/QĐ-UBND về Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP Cần Thơ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP Cần Thơ. Mục tiêu là xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: cá tra, rau quả tươi chuyên canh an toàn ứng dụng công nghệ cao; phát triển mô hình nông nghiệp đô thị; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung gắn với du lịch miệt vườn, sông nước; từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất, góp phần nâng cao chuỗi giá trị và chất lượng nông sản...

Địa điểm thực hiện Đề án trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai.

Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất phải kể đến là vấn đề tiêu thụ nông sản làm ra. Hiện đầu ra một số sản phẩm của mô hình còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng phần nào đến việc nhân rộng mô hình cho những năm tiếp theo. Người nông dân còn gặp trở ngại trong tiếp cận với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, trong khi việc đưa sản phẩm vào siêu thị lại gặp không ít khó khăn do yêu cầu về chất lượng cao, số lượng không nhiều, chủng loại đa dạng, phong phú và phải cung cấp mỗi ngày nên từng hộ nông dân rất khó đáp ứng.

* Định hướng của ngành Nông nghiệp trong việc triển khai Đề án trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

-Những kết quả đạt được nói trên là bước thử nghiệm, làm tiền đề phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, thành phố tiếp tục xây dựng và nâng chất các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển được thế mạnh của các vùng chuyên canh truyền thống ở các quận, huyện. Đồng thời, từng bước hình thành vành đai thực phẩm và các vùng du lịch sinh thái vườn, làng hoa kiểng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất gắn liền với tiêu thụ. Thời gian tới, các kế hoạch, chương trình thực hiện Đề án sẽ được điều chỉnh, bổ sung hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại…

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án, có thể đúc kết nguồn nhân lực và vốn là hai yếu tố then chốt để xây dựng vùng chuyên canh nông sản phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị. Kế đến là sự liên kết, tổ chức lại sản xuất giữa các nông hộ trong vùng cũng không kém phần quan trọng. Do đó, Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, trường để chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành tựu về sử dụng giống mới, phương pháp sản xuất hiện đại cho nông dân. Ngoài ra, cần huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là các đơn vị phân phối và tiêu thụ nông sản cùng tham gia sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có giá trị (phong lan, hoa kiểng, rau sạch...) theo quy trình GAP để cung cấp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ và đề ra cơ chế, chính sách ưu đãi để hình thành mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao. Làm được điều này không những mục tiêu Đề án được đảm bảo mà ngành Nông nghiệp thành phố cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ.

* Xin cám ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết