13/09/2020 - 11:30

Xâm hại trẻ em - đừng để nỗi đau tiếp diễn!
Bài 2: Vì đâu nên nỗi... 

Trẻ bị xâm hại để lại nhiều day dứt trong lòng người lớn và hơn hết là sự tổn thương về tâm lý, thể xác sẽ như những vết sẹo đeo đẳng trẻ cả đời. Xâm hại trẻ em (XHTE) là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bằng mọi cách phải ngăn chặn và nghiêm trị. Đối với những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này, cần nhìn nhận từ hai phía - cả bên tạo ra hành vi tội lỗi và phía trẻ bị xâm hại - để có biện pháp phòng ngừa.

Nhiều tác động tiêu cực

Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ tuyên truyền về các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ.

Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ tuyên truyền về các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ.

Mặc dù nghe Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ tuyên Trần Phương Em (36 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) 14 năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, nhưng cha bé N (13 tuổi, cùng địa phương) vẫn uất nghẹn khi người bị tuyên án là bạn của mình, đã có gia đình và bé N cũng trạc tuổi con bị cáo. Đây là một trong số nhiều vụ án XHTE mà đối tượng là người thân quen như chú, cậu, hàng xóm,... Các đối tượng đã dựa vào đặc điểm thân quen, nhằm tiếp cận, dụ dỗ nhiều bé gái để thực hiện hành vi đồi bại.      

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, nhận định: “Tội phạm liên quan XHTE mang tính cơ hội, bộc phát khi gặp thời điểm vắng vẻ, không có sự quan tâm, giám sát của người thân. Một số trường hợp chưa nhận thức đầy đủ về hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi là hành vi phạm tội, dẫn đến không thể hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, không có ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm…”.

Trong khi trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình, các đối tượng phạm tội chớp thời cơ, tỏ sự quan tâm, tạo niềm tin nhằm tiếp cận các em. Theo đánh giá cơ quan chức năng, đối tượng XHTE chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định, có lối sống lệch chuẩn, trình độ học vấn thấp, không am hiểu pháp luật, sống gấp, buông thả, ăn chơi đua đòi, bị chi phối bởi rượu chè, ma túy, phim ảnh khiêu dâm. Khi các em cần sự lắng nghe, cần sự quan tâm, các đối tượng này đều đáp ứng và từ đó chiếm được cảm tình, làm các em mất cảnh giác, rồi dụ dỗ, thậm chí ép buộc, đe dọa quan hệ.

Ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ, cũng cho rằng, một số đối tượng phạm tội bị kích thích bởi văn hóa phẩm đồi trụy, dẫn đến quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghỉ, nhà trọ vì lợi nhuận thường dễ dãi khi cho khách thuê phòng lưu trú, các đối tượng tụ tập hoặc rủ bạn gái thuê nhà nghỉ theo giờ, chủ cơ sở không kiểm tra chặt chẽ giấy tờ tùy thân, đã tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết

Hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm ăn xa nên vợ chồng chị D.H, ở huyện Phong Điền, gửi con gái là bé T (sinh năm 2006) cho người thân chăm sóc. Vì hai nhà gần nhau nên bé T thường qua chơi với con gái của Võ Văn Lụa (29 tuổi, ở cùng địa phương). Thấy T ngây thơ, người nhà của T cũng không để ý, Lụa tiếp cận, giả vờ quan tâm, cho quà bánh để xin số điện thoại, sau đó kết bạn trên mạng xã hội, dùng lời lẽ ngon ngọt dụ T quan hệ tình dục nhiều lần tại nhà mình. Một lần về quê, tình cờ xem điện thoại của con, chị H phát hiện các tin nhắn của Lụa rủ con đi nhà nghỉ nên mới ngỡ ngàng, làm đơn tố cáo. Lụa bị phạt 13 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi vào năm 2019. 

Trường hợp K.H, sinh năm 2006, ngụ quận Thốt Nốt, cũng đau lòng không kém khi cha mẹ quá lơ là, chủ quan với các mối quan hệ của con gái. Do ở cùng địa phương nên Trịnh Vũ Phương, 29 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, thường qua nhà K.H chơi. Cả hai thường xuyên gặp và trò chuyện nên nảy sinh tình cảm. Từ đầu năm 2019 đến tháng 8-2019, Phương dùng lời lẽ ngon ngọt, tặng quà dụ dỗ H “chat” sex, chụp hình ảnh gợi cảm gởi cho Phương xem. Do bận rộn làm ăn, gia đình H không hay biết. Mẹ H còn chủ quan, thường kêu H qua nhà Phương lấy tiền mà bị cáo đã mượn trước đó. Lợi dụng điều này, Phương nhiều lần làm chuyện người lớn với H. Đến khi thấy H có biểu hiện lạ, người thân gặng hỏi mới tá hỏa. Phương đã bị phạt 14 năm tù tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi vào tháng 2-2020. Còn H, sau khi sự việc xảy ra, không thiết tha chuyện học. Điều ray rứt là H bước vào đường yêu đương quá sớm mà chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính. Cha mẹ H đã lơ là, không có sự quan tâm định hướng con có suy nghĩ đúng đắn về tình yêu, hôn nhân. Nếu như có kiến thức, có lẽ H sẽ biết cách bảo vệ mình.

Đó chỉ là hai trong số các vụ án cơ quan chức năng thành phố xét xử mà gia đình các bị hại phải nghẹn ngào khi nhìn đi nhìn lại cũng có phần lỗi nơi mình. Theo ông Huỳnh Văn Ri, bên cạnh việc thiếu quan tâm của gia đình, người thân, hiện nay, nhiều trẻ dễ dàng kết bạn với các đối tượng xấu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, dẫn đến phát sinh tình cảm yêu đương và bị các đối tượng xấu lợi dụng. Còn ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn, thuộc Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: Qua quá trình triển khai các hoạt động cho học sinh ở độ tuổi cấp 2, tiếp cận các trường hợp bị xâm hại cho thấy phần lớn các em rơi vào hoàn cảnh xao nhãng, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, thấu cảm từ gia đình, người thân. Bên cạnh đó, các em ở độ tuổi dậy thì nên có sự thay đổi tâm sinh lý rất lớn, thiếu các kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ, chăm sóc bản thân. Trong số đó, các em yêu sớm nên bị các đối tượng lợi dụng để xâm hại trong khi bản thân nạn nhân chưa ý thức rõ được việc cho người khác quan hệ tình dục với mình là vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ đơn thuần đó là tình cảm yêu đương với nhau. Ranh giới tình yêu, tình bạn mong manh, các em chưa đủ nhận thức nên dẫn đến ngộ nhận, cho quan hệ, trong khi hiểu biết về sức khỏe sinh sản chưa có, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, trẻ bị xâm hại không những bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, sự phát triển về tâm lý, giới tính cũng như tương lai sau này. Có em rơi vào trạng thái hoảng loạn, bế tắc, không dám kể với người khác dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng. Đối với các em nữ, việc bị xâm hại tình dục có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn, gây nguy hiểm cho bản thân, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình về sau. Trong việc bảo vệ con trước vấn nạn xâm hại, vai trò của phụ huynh, nhất là người mẹ, rất quan trọng. Cha mẹ phải thường xuyên trò chuyện với con, kịp thời phát hiện khác lạ để xử lý. Hãy dành thời gian quan tâm, hướng dẫn con những kỹ năng phòng vệ, trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản, dạy con gái phải tự biết yêu thương và bảo vệ chính mình, nhắc nhở con trai đừng để sự ham muốn nhất thời mà mang cảnh tù tội. Nếu không may xảy ra chuyện, hãy đồng hành, giúp trẻ vượt qua cú sốc, ổn định cuộc sống. 

Trong môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ bị xâm hại, đòi hỏi gia đình và cộng đồng cần phải có biện pháp tích cực phòng ngừa, can thiệp, nhất là nhóm trẻ có nguy cơ cao.

 

Thẩm phán Nguyễn Quyến, Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ, cho biết: “Từ cuối năm 2019 đến tháng 7-2020, tòa xử 10 vụ liên quan XHTE, trong đó có 6 vụ sơ thẩm, 4 vụ phúc thẩm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị xâm hại là thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, hoặc đi làm ăn xa để con cho người thân nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, tác động từ những phim ảnh, thông tin độc hại từ mạng xã hội trong khi trẻ còn nhỏ chưa hiểu biết nên dễ bị tác động, dụ dỗ. Đa số các vụ án gần đây bắt nguồn từ việc trẻ quen biết nhau qua mạng xã hội, gặp mặt rồi sinh chuyện. Thông qua những phiên tòa, Hội đồng xét xử nhắc nhở bị cáo và gia đình cũng như cảnh báo thủ đoạn để phòng ngừa. Quan điểm của Hội đồng xét xử là xử nghiêm các bị cáo để răn đe”.

 

Kiều Chinh

(Còn tiếp)

Bài cuối:  Chung tay bảo vệ trẻ em

Chia sẻ bài viết