10/07/2012 - 20:39

TP CẦN THƠ

Xã hội hóa xây dựng chợ truyền thống

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 102 chợ truyền thống đang hoạt động (Trong ảnh: Một góc chợ Phong Điền, huyện Phong Điền).

Việc đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TP Cần Thơ là yêu cầu quan trọng để phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại của địa phương. Hiện nay, bên cạnh các chợ truyền thống sẵn có, thành phố đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các chợ ở các quận huyện trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội.

Bức xúc đầu tư chợ

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 102 chợ truyền thống. Trong đó gồm 5 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 53 chợ hạng III, 33 chợ còn lại trong diện quy hoạch nhưng chưa đầu tư hạ tầng, chưa đủ điều kiện phân hạng theo quy định. Phân theo địa bàn thì thành phố có 65 chợ đô thị và 37 chợ nông thôn, phân bổ đều tại 9 quận, huyện. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết các chợ truyền thống hoạt động kinh doanh đa dạng, hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng đã thực hiện tốt cả hai chức năng bán buôn và bán lẻ, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong giai đoạn 2011-2015, theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ và các quận, huyện, có đến 39 chợ cần đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và 2 chợ phải di dời do không đạt tiêu chí xếp hạng chợ theo quy định, chợ đô thị văn minh. Ngoài việc mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thì rất cần sự hỗ trợ thêm từ ngân sách thành phố và các quận, huyện để đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu. Qua đó, giải quyết tình trạng quá tải, mặt bằng chật hẹp, vệ sinh môi trường, nguy cơ cháy nổ, ngập nghẹt... Trên cơ sở hiện trạng hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố và yêu cầu đầu tư phát triển chợ thời gian tới, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 21-3-2012 “Ban hành Quy chế quản lý và phát triển chợ”. Theo đó, nguồn thực hiện đầu tư phát triển chợ chủ yếu là kêu gọi xã hội hóa kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Chủ thể tham gia bao gồm các doanh nghiệp, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần vốn đầu tư xây dựng đối với một số chợ do Nhà nước quản lý có nhu cầu bức xúc nhưng không huy động được nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Song, việc xã hội hóa đầu tư chợ hiện không dễ dàng gì, nhất là trong tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua giảm như hiện nay. Thêm vào đó, đầu tư kinh doanh chợ, việc thu hồi vốn còn chậm; tập quán mua bán của người dân, mãi lực của chợ truyền thống không cao cũng làm nhà đầu tư cân nhắc khi tính toán phương án đầu tư.

Tập trung huy động nguồn vốn

Thời gian qua, một số quận, huyện trên địa bàn thành phố đã mời gọi được các nhà đầu tư tham gia xây dựng chợ và đưa vào khai thác hiệu quả. Trong năm 2011 - 2012, quận Bình Thủy đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư cải tạo, xây dựng mới 3 chợ: An Thới, Bình Thủy, Hồi Lực, với tổng vốn đầu tư 32 tỉ đồng. Hiện hoạt động của các chợ này khá  hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua bán của hơn 700 hộ kinh doanh. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, các chợ này đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại của quận, tạo sự phấn khởi cho chủ đầu tư. Thời gian tới, quận tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng chợ Sang Trắng, Miễu Ông, Cầu Ván, Trà Nóc. Hiện quy hoạch chợ Miễu Ông, phường Long Tuyền, đã được UBND thành phố phê duyệt, quận đang kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại ở các chợ vùng ven, đảm bảo phát triển đồng bộ kinh tế, thương mại trên địa bàn quận. Các chợ còn lại, quận sẽ xác định tính chất ưu tiên để phân kỳ mời gọi đầu tư thời gian tới”. 

Theo bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, các chợ trên địa bàn huyện Phong Điền đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, so với tiêu chí chợ trong xây dựng xã nông thôn mới thì vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra do quy mô chợ nông thôn thường tùy thuộc vào sức mua của người dân địa phương. Huyện đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các chợ Mỹ Khánh, Giai Xuân, Tân Thới (còn gọi là chợ Cầu Nhím), Nhơn Ái. Trong số này, huyện ưu tiên kêu gọi đầu tư chợ Mỹ Khánh để hoàn thành đủ các tiêu chí công nhận xã nông thôn mới. Hiện tại, nguồn đất sạch để xây dựng chợ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, vì vậy đơn vị này đang trong quá trình kêu gọi nhà đầu tư để sớm xây dựng và đưa vào sử dụng chợ Mỹ Khánh trong năm 2012.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Trong quá trình mời gọi nhà đầu tư vào xây dựng chợ, các doanh nghiệp thường quan tâm vào các chợ có vị trí thương mại thuận lợi, dân cư đông, quy mô lớn, doanh thu ổn định, nhất là các chợ nằm ở vị trí trung tâm quận Ninh Kiều hoặc một số chợ trung tâm của các quận, huyện. Các chợ quy mô nhỏ, chợ nông thôn rất khó mời gọi doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý chợ”. Theo ông Hừng, để thúc đẩy phát triển thương mại, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa phục vụ mua sắm của người dân, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Sở Công thương, các sở ngành hữu quan và các địa phương sẽ tập trung huy động các nguồn lực, vận động các tổ chức, cá nhân triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động kinh doanh các chợ trung tâm quận, huyện, chợ có lợi thế thương mại. Đồng thời triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng các chợ xã đạt tiêu chí nông thôn mới theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ. Đối với các chợ quá bức xúc nhưng khả năng không thể mời gọi doanh nghiệp thì rất cần có sự hỗ trợ đầu tư xây dựng từ ngân sách để phục vụ dân sinh.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 102 chợ truyền thống đang hoạt động (Trong ảnh: Một góc chợ Phong Điền,

Chia sẻ bài viết