14/10/2021 - 09:08

WHO lập nhóm mới điều tra nguồn gốc COVID-19 

Ðộng thái này được xúc tiến giữa lúc nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải mã đại dịch COVID-19 vướng vào ngờ vực địa chính trị, kéo theo lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc.

Nhóm chuyên gia Trung Quốc và WHO đến thăm một bệnh viện ở Vũ Hán hồi đầu năm nay. Ảnh: Reuters

Trưởng nhóm kỹ thuật bộ phận dịch bệnh COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, cho biết đội ngũ cố vấn mới bao gồm các nhà virus học, di truyền học, động vật học cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an ninh sinh học và an toàn phòng thí nghiệm. Họ sẽ làm rõ những tranh luận đảng phái xung quanh cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2, góp phần đưa vấn đề này trở lại đúng hướng khoa học. Ngoài COVID-19, nhóm cố vấn còn chịu trách nhiệm dự báo bất kỳ tác nhân gây bệnh mới nào, củng cố năng lực của WHO chống lại các đợt bùng phát trong tương lai và loại bỏ nguy cơ “chính trị hóa dịch bệnh”.

Theo giới phân tích, động thái mới từ WHO có thể giúp xoa dịu các nước phương Tây vốn đặt giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Tuy vậy, chuyên gia y tế cấp cao David Fidler tại Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại dự báo Bắc Kinh có thể phản đối và tiếp tục không hợp tác.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, WHO bị kẹt trong tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh cáo buộc Bắc Kinh che giấu mức độ đợt dịch đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, gần đây là câu hỏi về cách SARS-CoV-2 xuất hiện. Trong đợt điều tra đầu năm nay, nhóm chuyên gia WHO được cử tới Vũ Hán ưu tiên giả thuyết virus lây truyền qua động vật trung gian chưa thể xác định. Tuy nhiên, Mỹ và 13 nước đồng minh đã bày tỏ quan ngại chung về báo cáo nói trên. Áp lực này cùng sức ép không còn nhiều thời gian để thu thập bằng chứng quan trọng buộc Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng kêu gọi tiến hành điều tra giai đoạn hai với các nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc COVID-19.

Tuy nhiên, Trung Quốc hồi tháng 8 đã bác đề nghị của WHO muốn nước này chia sẻ dữ liệu gốc và mẫu máu thu được từ các ca nghi nhiễm năm 2019, cũng như cho phép giới khoa học tiếp cận các phòng thí nghiệm như Viện Virus học Vũ Hán. Thay vào đó, Bắc Kinh yêu cầu quốc tế tiến hành điều tra những ca mắc COVID-19 ban đầu ở một số quốc gia khác và cơ sở nghiên cứu của Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc cũng có động thái làm dịu yêu cầu minh bạch về thời gian, địa điểm virus lần đầu tiên xâm nhập vào cơ thể người khi thông báo chuẩn bị xét nghiệm hàng chục ngàn trong số 200.000 mẫu máu lưu trữ tại Trung tâm Máu Vũ Hán từ trước năm 2019.

Theo Phó Giáo sư dịch tễ học Maureen Miller tại Ðại học Columbia (Mỹ), những mẫu máu này nếu được bảo quản đúng cách có thể chứa các chỉ dấu quan trọng về kháng thể đầu tiên cơ thể người tạo ra để chống lại COVID-19. Qua đó biết được cụ thể ai bị nhiễm lần đầu, ở đâu, tuổi tác và nghề nghiệp của họ. Nhưng với việc Bắc Kinh từng hạn chế các nhà điều tra quốc tế và cộng đồng y tế toàn cầu truy cập các dữ liệu như vậy, bà Miller cảnh báo sẽ không ai tin vào bất kỳ kết quả nào mà Trung Quốc công bố, trừ khi có sự hiện diện của những quan sát viên đủ năng lực. Ðể đảm bảo tính toàn vẹn, bà Miller kêu gọi Trung Quốc cho phép chuyên gia nước ngoài quan sát quá trình xét nghiệm. Bắc Kinh cũng có thể chuyển các mẫu máu đến Thụy Sĩ hoặc một điểm trung lập khác và cấp quyền cho các chuyên gia của WHO tham gia.

MAI QUYÊN (Theo CNN, NYT)

Chia sẻ bài viết