21/12/2019 - 10:16

Vươn lên nhờ lục bình 

Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, TP Cần Thơ hướng các địa phương xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, kết hợp linh hoạt giữa dạy nghề, giải quyết việc làm, thoát nghèo, với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nổi bật là mô hình Tổ đan lục bình (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) hoạt động ngày càng khởi sắc, giúp phụ nữ dân tộc Khmer tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.

Đến tham quan Tổ đan lục bình ở ấp Thới Hòa B, đúng dịp chị Sơn Thị Lang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, Tổ trưởng Tổ đan lục bình cũng là cô giáo “thâm niên” dạy nghề đan lục bình, đang cẩn thận kiểm tra, tập kết số lượng thành phẩm bộ ba thùng lục bình, chờ xe tải đến chở. Trên dãy hiên nhà tươm tất liền kề, các chị vừa làm vừa trò chuyện rất vui. Chị Lang phấn khởi nói: “Mỗi tuần, tôi tranh thủ giao đợt hàng. Từ giờ đến Tết, các chị bận rộn hoàn thành đơn hàng, đảm bảo thời gian, tiến độ. Nhờ giữ vững uy tín, sản phẩm đạt chuẩn nên Tổ thường xuyên tiếp nhận nhiều đơn hàng, thu nhập ổn định”. Mới đây, 35 phụ nữ dân tộc Khmer tham gia lớp nghề đan lục bình nâng cao tay nghề (24 ngày) do Ban Dân tộc thành phố tổ chức, để làm các mặt hàng kỹ thuật. 

Nhờ nghề đan lục bình, phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ nâng cao thu nhập, thoát nghèo, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.

Nhờ nghề đan lục bình, phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ nâng cao thu nhập, thoát nghèo, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.

Vừa sắp xếp sản phẩm, chị Lang kể “cơ duyên” với nghề đan lục bình giúp chị có việc làm, thu nhập ổn định, ngày càng hiểu biết, tiến bộ và trưởng thành hơn so với trước. Năm 2007, sau khi được Hội Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ giới thiệu tham gia lớp nghề đan lục bình, chị Lang kiên trì bám nghề, chịu khó gia công sản phẩm cho Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Kim Hưng để thêm thu nhập và truyền nghề cho một số phụ nữ Khmer trong ấp. Năm 2011, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ kết hợp Hội Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ mở lớp nghề đan lục bình, do chị Lang đảm trách dạy nghề và giới thiệu chị em nhận gia công thảm lục bình. Chị Lang cho biết: “Lúc đầu, một số chị em chưa quen nghề, thao tác chậm, khó thích ứng mẫu mã sản phẩm luôn thay đổi, nên thu nhập thấp, mỗi ngày khoảng 25.000-30.000 đồng. Tôi kiên trì hướng dẫn, khích lệ để chị em không nản chí, kiên trì bám nghề”. Nhờ chị Lang “truyền cảm hứng”, tinh thần chị em dần ổn định, từng bước nâng cao tay nghề, sản phẩm làm ra khéo léo, đạt yêu cầu.

Năm 2013, UBND thị trấn Cờ Đỏ thành lập Tổ đan lục bình với trên 30 lao động, đến nay thu hút khoảng 130 lao động; trong đó, đa số phụ nữ dân tộc Khmer diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định. Hiện hầu hết thành viên của Tổ thạo nghề, gia công sản phẩm đều đặn mỗi ngày, thu nhập bình quân 1,8-3 triệu đồng/người/tháng, trang trải chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Gần đây, Tổ khuyến khích chị em tìm cắt, phơi khô lục bình để đan sản phẩm hay bán cho Tổ (lục bình khô 10.000 đồng/ký, lục bình tươi 500 đồng/ký). Chị Lang bộc bạch: “Bên cạnh học nghề, có việc làm, chị em được giới thiệu vay vốn ưu đãi để tăng gia sản xuất, mua bán nhỏ. Qua đó, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, xây nhà khang trang, chăm lo con cái học hành; tích cực tham gia sinh hoạt Hội để hiểu biết, tiến bộ hơn, nâng cao vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội”.

Vui vẻ khoe căn nhà tường khang trang xây dựng năm 2018, trị giá 200 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Phượng, ấp Thới Hòa, bộc bạch, lục bình và sự cần lao giúp gia đình chị đổi đời. Trước đây, vợ chồng chị Phượng làm mướn nuôi 2 con ăn học, thu nhập bấp bênh. Năm 2012, chị Phượng được giới thiệu học nghề đan lục bình và nhận gia công sản phẩm. Năm 2016, chị Phượng được địa phương xét thoát nghèo và tiếp tục theo nghề đến nay. Chị Phượng cho biết: “Mấy năm nay, mỗi ngày, sau khi thu xếp việc nhà, tôi đan 2 bộ thùng lục bình, thu nhập khoảng 80.000 đồng, gói ghém đủ chi tiêu. Gần đây, tôi cắt lục bình, phơi khô làm nguyên liệu, nên mỗi ngày thu nhập đạt khoảng 110.000 đồng”.

Chị Võ Ngọc Hà, hàng xóm của chị Phượng, cũng nhờ dành dụm thu nhập từ nghề đan lục bình góp phần xây nhà vững chắc, nuôi 4 người con ăn học, có việc làm, thoát nghèo bền vững. Theo chị Lang, nghề này duy trì và phát triển tại địa phương vì phù hợp sinh hoạt phụ nữ dân tộc Khmer, muốn có việc làm, thu nhập tại chỗ. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ lồng ghép triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số về vốn vay, việc làm, khám, chữa bệnh; vận động chị em cân đối chi tiêu, gởi tiết kiệm để có điều kiện tái sản xuất, cải thiện mức sống… Qua đó, phụ nữ dân tộc Khmer tích cực tham gia sinh hoạt Hội, tiếp thu, học hỏi kiến thức để ngày càng tiến bộ, bình đẳng và thoát nghèo bền vững.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ, hầu như năm nào huyện cũng mở lớp nghề đan lục bình cho lao động các xã, thị trấn trong huyện, trong đó, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Cờ Đỏ. Năm 2020, bên cạnh tăng cường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho phụ nữ, huyện khuyến khích chị em truyền nghề, sản xuất nguyên liệu… Qua đó, góp phần nhân rộng mô hình đan lục bình giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết