25/08/2011 - 20:50

Vừa đi bộ vừa sạc điện thoại

Tản bộ sẽ sớm trở thành biện pháp đơn giản giúp bạn sạc pin cho điện thoại di động (ĐTDĐ) ? Các nhà nghiên cứu ở Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) vừa phát triển một công nghệ mới, có khả năng khai thác điện năng từ những bước chân của bạn.

Ảnh: CNN 

“Con người là những cỗ máy sản xuất năng lượng rất khỏe. Một người chạy hết tốc lực có thể sản xuất ra 1 kW điện”, Giáo sư ngành kỹ thuật cơ khí Tom Krupenkin khẳng định. Ông cho rằng việc khai thác dù chỉ một lượng nhỏ năng lượng từ cử động của con người cũng đủ cung cấp điện cho ĐTDĐ, máy tính xách tay, đèn flash của máy ảnh hoặc các thiết bị điện tử khác. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù các phương pháp thu thập năng lượng cơ học từng được sử dụng cho các thiết bị điện tử nhỏ như đồng hồ hay các bộ cảm biến nhưng đến nay, chưa có công nghệ biến đổi năng lượng từ cử động thành điện năng nào trên thực tế có thể cung cấp sản lượng điện lớn như vậy.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Nature Communications mới đây, các chuyên gia cho biết công nghệ của họ được gọi là hệ thống “đảo chiều điện từ ẩm”, cho phép biến đổi năng lượng cơ học thành năng lượng điện từ thông qua một thiết bị chứa hàng nghìn hạt chất lỏng có tính năng dẫn điện. Trong hệ thống này, một “bộ khai thác năng lượng” sẽ được đặt vào đế giày của người dùng để thu thập năng lượng tạo ra ở dạng sức nóng khi họ đi (hoặc chạy) và biến đổi nó thành 20 watt điện năng, đủ để sạc thiết bị cá nhân của họ.

Nhưng làm cách nào truyền điện năng từ giày sang thiết bị? Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển một thiết bị hoạt động như một máy thu phát vô tuyến trung gian, tiếp nhận tín hiệu điện từ máy phát không dây trong giày và truyền sang thiết bị di động của người dùng thông qua các hệ thống kết nối không dây như bluetooth hoặc wi-fi. Theo Giáo sư Krupenkin, công nghệ “đảo chiều điện từ ẩm” sẽ tích trữ đủ năng lượng để nâng thời lượng của một cục pin điện thoại thông thường lên gấp 10 lần. Công nghệ được phát triển dưới sự bảo trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ và được đánh giá cao bởi Tiến sĩ Patrick Joseph-Franks ở Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia, người cũng từng nghiên cứu những phương pháp tận dụng các nguồn năng lượng bị lãng phí.

Nhóm nghiên cứu cho rằng công nghệ này sẽ rất có ích cho môi trường một khi nó được phổ biến rộng rãi khắp thế giới nhờ làm giảm nhu cầu sử dụng pin. Nó cũng giúp ích cho lực lượng quân đội và cảnh sát vốn cần sạc điện thường xuyên cho những thiết bị chuyên dụng như các phương tiện thông tin liên lạc, kính hồng ngoại... Hiện tại, Giáo sư Krupenkin và cộng sự đang nhắm đến mục tiêu thương mại hóa công nghệ này tại công ty InStep NanoPower do họ vừa sáng lập.

THANH TRÚC
(Theo BBC, CNN, laboratoryequipment.com)

Chia sẻ bài viết