12/04/2021 - 09:34

Vĩnh Long chú trọng cải thiện chất lượng môi trường 

Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2015-2020) do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Nam (thuộc Tổng cục Môi trường) thực hiện trong năm 2020 cho thấy, mặc dù chịu nhiều sức ép của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng môi trường trong tỉnh (giai đoạn 2015-2020) có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2010-2014. Cải thiện đáng kể nhất là chất lượng không khí.

Không khí tại các khu sản xuất gạch, gốm được cải thiện nhờ cải tiến công nghệ, sản xuất sạch hơn.

Không khí tại các khu sản xuất gạch, gốm được cải thiện nhờ cải tiến công nghệ, sản xuất sạch hơn.

Tại các khu vực sản xuất gạch, gốm ở huyện Mang Thít, Long Hồ và TP Vĩnh Long, thông số không khí về nồng độ tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn đạt quy chuẩn tại tất cả các điểm đo. Riêng mức độ ô nhiễm do nồng độ HF giảm dần và đạt quy chuẩn. Nguyên nhân chính do nhiều lò nung gạch, gốm đỏ kiểu truyền thống được thay thế bằng lò nung gạch liên hoàn có công nghệ tiên tiến hơn, sản xuất gạch, gốm theo hướng sạch hơn và do có nhiều cơ sở sản xuất gạch, gốm nghỉ sản xuất. Các thông số chất lượng không khí ngoài trời gần các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, tuyến giao thông chính như: tổng bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO, NH3, Ozon, bụi PM10, chì đều có giá trị trung bình đạt quy chuẩn Việt Nam tại tất cả các điểm đo. Riêng thông số tiếng ồn có giá trị trung bìnhdao động từ 30,7-73,03dBA (vượt quy chuẩn từ 0,1-3dBA tại một vài điểm đo ở TP Vĩnh Long).

Môi trường nước trong giai đoạn này, nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm chủ yếu bởi 2 thông số (độ cứng tổng số TSS và Coliform) nhưng giảm dần qua các năm và so với giai đoạn trước. Các thông số khác đều đạt quy chuẩn, đặc biệt là Asen (thạch tín). Không phát hiện thông số Cadimi, E.Coli tại tất cả các điểm quan trắc.

Về chất lượng nước mặt, kết quả phân tích mẫu nước trong 3 đợt tại 63 vị trí trên 26 tuyến sông, rạch cho thấy chất lượng nước mặt có dấu hiệu cải thiện theo chiều hướng tốt. Giai đoạn này 2015-2020, mức độ ô nhiễm của các chỉ tiêu TSS, Amoni, Phosphat, Coliform, E.Coli và DO có xu hướng giảm qua các năm, riêng năm 2020 thông số E.Coli đạt quy chuẩn. Hiện tại, nguồn nước ở hầu hết các sông, rạch đều đạt chất lượng sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu nhưng cần có biện pháp xử lý phù hợp khi cấp cho sinh hoạt.

Giám sát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong nước mặt tại 22 điểm ở khu vực sản xuất lúa, rau an toàn, cây ăn trái trong tỉnh: Ðợt giám sát tháng 8-2015, có 8/8 điểm phát hiện dư lượng đối với thông số Fenobucarb, Glyphosate, Diazinon, nhưng các đợt khác thì không phát hiện dư lượng này. Từ năm 2017-2019, có phát hiện ở một vài điểm có dư lượng như Diazinon, Chlorpyrifos, DDT tại vùng trồng lúa, nhưng năm 2016 và 2020 không phát hiện dư lượng hóa chất BVTV trong nước mặt.

Trong năm 2020, giám sát môi trường đất tại các vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu và các vùng chuyên canh trồng cam, khoai lang, xà lách xoong cũng không phát hiện đất bị nhiễm hóa chất BVTV. Ở các vùng đất gần khu công nghiệp, khu chăn nuôi, khu vực lò gạch, gần khu vực bãi rác không phát hiện các kim loại nặng gây hại như Cd, As, Pb, tổng Crom; các thông số Cu, Zn có phát hiện nhưng giá trị nằm trong quy chuẩn cho phép…

Ðóng góp quan trọng vào kết quả trên là nhờ công tác quản lý môi trường ngày càng được quan tâm. Hằng năm, tỉnh Vĩnh Long đảm bảo bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách tỉnh chi cho các hoạt động sự nghiệp môi trường (tương đương 80-140 tỉ đồng/năm).

Trong năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị đạt 92,5% và tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn đạt 75,04%. Một số khu vực, lĩnh vực, ngành nghề, làng nghề đã có biểu hiện ô nhiễm môi trường nhưng mang tính cục bộ, tạm thời, không lan rộng… Nhiều mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực được triển khai thực hiện, nhân rộng, như: Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt được các cấp Hội vận động thành lập ở các đường đan liên ấp, liên xóm; mô hình Tổ phụ nữ thân thiện với môi trường, mô hình “Biến rác thành tiền”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, mô hình tuyến đường hoa hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế), mô hình “Ngôi nhà chứa rác thải nhựa”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Thùng phân loại rác” tại các trường học trong ngành Giáo dục…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn văn Hiếu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, công tác quản lý môi trường của tỉnh còn những khó khăn nhất định.Cụ thể: tổ chức nhân sự về bảo vệ môi trường các cấp chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay, lực lượng còn thiếu và hạn chế về chuyên môn (nhất là ở cấp xã); kinh phí sự nghiệp cho hoạt động môi trường còn hạn chế...

Theo Ths Trần Ðình Quốc, chuyên gia của Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Nam, chất lượng môi trường của tỉnh Vĩnh Long có cải thiện nhưng tính bền vững không cao nếu không kiểm soát tốt do sức ép của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch họa, ô nhiễm môi trường vẫn cục bộ xảy ra. Ðồng thời tỉnh sẽ còn phải đối diện với một số thách thức về môi trường trong thời gian tới cần phải được giải quyết, như: vấn đề thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị, cùng với những tồn tại về môi trường giai đoạn 2015-2020 chưa được giải quyết triệt để.

 Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết