04/12/2012 - 21:03

Vienne là thành phố có chất lượng sống tốt nhất thế giới

Một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Vienne (Áo). Ảnh: Getty Images 

Theo kết quả cuộc khảo sát toàn cầu do Công ty tư vấn Mercer (Mỹ) thực hiện, Thủ đô Vienne của Áo mang đến cho người dân chất lượng cuộc sống tốt nhất, trong khi đó Thủ đô Baghdad  của Iraq là nơi có cuộc sống tồi tệ nhất thế giới.

Với dân số khoảng 1,7 triệu người, Vienne được biết đến là nơi 4 năm liền dẫn đầu trong các cuộc khảo sát về chất lượng cuộc sống. Người dân nơi đây luôn tự hào vì được sống trong một quang cảnh văn hóa sôi động cùng với các dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện, đồng thời nền kiến trúc sang trọng từ thời đế chế Habsburg đã biến nơi đây thành một địa điểm du lịch hết sức hấp dẫn. Chỉ với khoảng 1 euro/ngày, người dân có thể sử dụng hệ thống giao thông công cộng tin cậy để đi lại trong khu vực thành phố. “Đây là một thành phố quốc tế hóa, bởi tôi có thể nghe được 10 ngôn ngữ khác nhau khi đứng chờ tại một trạm xe buýt. Thành phố này thích hợp với mọi người, mọi lứa tuổi và tất cả các tầng lớp xã hội” – ông Dawn Gartlehner, 42 tuổi, quản lý một công ty luật và đã sống tại Vienne hơn 15 năm, cho biết.

Dù đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài nhưng châu Âu có đến 15 đại diện thuộc tốp 25 thành phố tốt nhất trong cuộc khảo sát năm nay. Trong đó, Đức và Thụy Sĩ mỗi nước có đến 3 đại diện nằm trong top 10. Thành phố được xếp hạng thấp nhất ở Tây Âu là Athens (Hy Lạp). Trong khi đó, các thành phố của Canada nắm quyền thống trị bảng xếp hạng ở khu vực châu Mỹ. Thành phố Auckland (New Zealand) dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực vực châu Á-Thái Bình Dương với vị trí thứ 3, trong khi Dubai (Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất) dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực Trung Đông và châu Phi với vị trí 73. Tuy nhiên, khu vực này cũng có 15 thành phố thuộc tốp 20 thành phố có chất lượng cuộc sống tồi tệ nhất trong bảng xếp hạng, bao gồm Lagos (Nigeria), Bamako (Mali), Khartoum (Sudan) và N'Djamena (Chad). Thủ đô Baghdad của Iraq được xếp hạng thấp nhất trên thế giới.

Được biết, Mercer thực hiện cuộc khảo sát thường niên này là nhằm giúp các công ty và các tổ chức thiết lập các khoản chi trả cho nhân viên của họ khi tham gia các chuyến công tác mang tính quốc tế. Mercer khảo sát dựa trên 39 yếu tố như ổn định chính trị, chăm sóc y tế, giáo dục, tội phạm, giải trí và giao thông vận tải.

HOÀNG NAM (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết