28/09/2009 - 08:45

Vị thế mới cho các nước đang phát triển

Ông Sarkozy cho rằng nên đạt được thỏa thuận về cải tổ HĐBA chậm nhất vào cuối năm nay. Ảnh: AP 

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Pittsburgh (Mỹ) cuối tuần rồi, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhất trí chuyển ít nhất 5% quyền bỏ phiếu trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi. Động thái trên thể hiện sự thừa nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi đối với kinh tế toàn cầu. Như vậy, tỷ trọng quyền bỏ phiếu giữa các nước phát triển và đang phát triển từ mức chênh lệch 57%-43% hiện nay sẽ trở nên gần cân bằng, 52%-48%. G-20 cũng quyết định sẽ tăng ít nhất 3% quyền bỏ phiếu cho các nền kinh tế mới nổi tại Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng thống Brazil Lula da Silva gọi đây là một “thắng lợi phi thường” của các nước đang phát triển.

Hội nghị Pittsburgh cũng đồng ý trao vai trò “ban giám đốc kinh tế thế giới” mà G-7 (thành lập năm 1976, gồm các nước giàu là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) nắm giữ suốt hơn 30 năm qua cho G-20 với phân nửa thành viên là các nước đang phát triển. Điều này phản ánh thực tế là cơ cấu quyền lực kinh tế trên thế giới đã thay đổi. G-20 hiện chiếm 85% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó tỷ trọng đóng góp của các nền kinh tế mới nổi ngày càng lớn. Chẳng hạn như về dự trữ ngoại hối, bốn nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đang nắm giữ tới 42% lượng dự trữ toàn cầu. Riêng Trung Quốc, sau khi qua mặt Nhật trở thành nước có dự trữ ngoại hối nhiều nhất thế giới (năm 2006), rồi soán ngôi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới của Đức (năm 2008), dự kiến sẽ giành luôn vị trí nước xuất khẩu lớn nhất từ tay Đức trong năm nay.

Trong khi đó, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận định các cường quốc hiện đang đối mặt với một loạt thách thức, như nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới và thảm họa sinh thái toàn cầu. Để vượt qua những thách thức đó, theo ông, cần xây dựng một thế giới mới với cách thức quản lý mới mà trong đó trọng tâm là cấp tốc cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Ông Sarkozy cho rằng các nước phát triển nhất không thể ôm tham vọng một mình quản lý nhân loại, mà phải kết nạp thêm các thành viên thường trực và không thường trực của HĐBA. “Không thể chấp nhận được việc châu Phi không có thành viên thường trực nào tại HĐBA, hoặc loại trừ Nam Mỹ với một cường quốc như Brazil, hay Ấn Độ với hơn một tỉ dân...”, ông Sarkozy bức xúc. Hiện HĐBA có 5 thành viên thường trực (P5, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực với nhiệm kỳ 2 năm. Ông Sarkozy có lẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của P5 ủng hộ việc có thêm ủy viên thường trực.

Tại ĐHĐ LHQ, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Sierra Leone và Tanzania cũng kêu gọi mở rộng HĐBA. Riêng Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete đòi phải dành hai ghế thường trực cho lục địa đen. Hiện có nhiều phương án mở rộng HĐBA với số thành viên có thể lên tới 25, nhưng dù áp dụng phương án nào đi nữa thì các nước đang phát triển cũng sẽ có tiếng nói lớn hơn tại cơ quan quyền lực này. Các nước đang phát triển như Ấn Độ, Brazil, Nigeria, Nam Phi, cùng với hai nước giàu là Nhật và Đức đang ra sức vận động để kiếm ghế thường trực tại HĐBA.

LÊ DÂN
(Theo THX, Bloomberg, TTXVN)

Ông Sarkozy cho rằng nên đạt được thỏa thuận về cải tổ HĐBA chậm nhất vào cuối năm nay. Ảnh: AP 

Chia sẻ bài viết