NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là nước nhập khẩu vàng lớn thứ hai thế giới tính theo khối lượng, chỉ sau Ấn Ðộ. Trong 20 năm qua, thủ đô Dubai của UAE là một trong những trung tâm giao dịch vàng lớn nhất, thu hút hàng triệu du khách quốc tế. Song, Dubai cũng nổi lên như một điểm đến ưa thích của các băng nhóm rửa tiền và buôn lậu vàng.

Trang sức được trưng bày tại một tiệm vàng ở Dubai.
Nhiều năm qua, Dubai luôn đứng tốp đầu các thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất, đồng thời cũng là một trung tâm thương mại hàng hóa phổ biến. Danh tiếng đó được tạo dựng nhờ hàng loạt chính sách thu hút doanh nghiệp và trọng tâm của chiến lược này là khu vực thương mại “tự do” của Dubai. Ðây là vùng được thiết lập đặc biệt để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thành lập công ty, mà không đi kèm thuế và nghĩa vụ, đồng thời cho phép nhanh chóng chuyển lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích chính sách này cũng tạo điều kiện cho tội phạm tài chính lọt qua những kẽ hở pháp luật.
Trong loạt bài điều tra mới đây mang tên “Gold Mafia”, các phóng viên thuộc Nhóm điều tra Al Jazeera (I-Unit) đã hé lộ quá trình mà các băng nhóm buôn lậu Nam Phi lợi dụng chính sách kinh doanh của Dubai để rửa hàng tỉ đô-la và vàng “bẩn” ra sao. Trong vai “dân buôn vàng”, nhóm I-Unit đã liên hệ Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng có nhiều công ty ở Dubai và được đưa đến thăm văn phòng của y ở Jumeirah Lake Towers (JLT) - một trong những khu thương mại tự do của Dubai. Pattni khẳng định có thể giúp họ mua vàng từ nguồn tiền không rõ nguồn gốc.
Tương tự, Alistair Mathias - một tay buôn lậu vàng khác - cũng gợi ý nhóm phóng viên lập văn phòng công ty tại các khu thương mại tự do của Dubai và hứa giúp họ làm việc này. Khi được hỏi liệu các nhà chức trách ở Dubai có kiểm tra công ty hay không, Mathias nói: “Họ (giới chức Dubai) không bận tâm”. Mathias còn tiết lộ y làm việc cho các quan chức chính phủ khắp châu Phi.
Trong quá trình điều tra, nhóm I-Unit phát hiện những kẻ buôn lậu như Pattni thường đề nghị sử dụng vàng của Zimbabwe để biến tiền bẩn thành tiền hợp pháp. Theo đó, vàng mua từ Zimbabwe được gửi đến một nhà máy luyện kim ở Dubai để làm thành vàng thỏi với con dấu của nhà máy này, qua đó che giấu nguồn gốc ban đầu, cũng như giúp việc bán vàng trở nên dễ dàng hơn và tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Zimbabwe. “Vàng sau khi qua nhà máy luyện kim thực sự trở thành vàng mới. Tiền bán số vàng này sau đó được chuyển vào tài khoản ngân hàng như một khoản thu nhập hợp pháp” - Amjad Rihan, người từng làm việc cho một công ty kiểm toán chuyên theo dõi giao dịch vàng ở Dubai, chỉ ra quy trình buôn vàng để rửa tiền và chuyển về Zimbabwe.
Sở dĩ Zimbabwe cần ngoại tệ vì tiền của nước này đã mất giá trị trong thương mại quốc tế do siêu lạm phát. Mặc dù vàng là mặt hàng tốt để kiếm ngoại tệ, nhưng các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Zimbabwe đã khiến chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vàng, do các quan chức nắm quyền luôn bị giám sát chặt chẽ. Ðược biết, Ðơn vị Tình báo Tài chính của Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe đã đóng băng tài sản của 4 quan chức bị cáo buộc có liên quan đến buôn lậu vàng, rửa tiền, hối lộ và các hoạt động tham nhũng khác trong loạt điều tra của Al Jazeera.
Theo nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, hệ thống gọi là Hawala đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi rửa tiền đi qua Dubai. Ðây là một cách chuyển tiền xuyên biên giới nằm ngoài sự giám sát của hệ thống tài chính chính thức. Nó dựa trên sự tin tưởng và thường được sử dụng vì những lý do chính đáng ở những nơi mà mọi người không có quyền truy cập vào ngân hàng. Nhưng nó cũng lý tưởng cho hoạt động rửa tiền vì không có giao dịch chính thức nào trên sổ sách, khiến các cơ quan chức năng không thể theo dõi dòng tiền.