26/11/2017 - 09:39

Vì sao Nga triển khai tàu ngầm robot đến Bắc Cực? 

Bắc Cực là một trong những nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất hành tinh, nhưng đây lại là một kho tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.

Ước tính, Bắc Băng Dương chứa lượng dầu lên tới hàng tỉ thùng cũng như hàng tỉ mét khối khí tự nhiên, chiếm 16-26% trữ lượng khí tự nhiên chưa được khám phá của Trái đất. Trước sức hút của Bắc Cực, Nga đang nỗ lực đánh bại các siêu cường khác trong cuộc chạy đua khai thác nguồn tài nguyên tại đây.

Mô hình tàu ngầm hạt nhân Belgorod của Nga. Ảnh: BBC 

 

Nhiều thập kỷ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Nga đã bắt tay vào sứ mệnh khoan sâu vào đáy biển Bắc Cực khi triển khai một đội robot dưới nước và nhiều tàu ngầm không người lái tới vùng biển khắc nghiệt này. Đến nay, Nga đã chiết xuất khoảng 5,5 triệu tấn dầu mỗi năm từ Bắc Cực. Sau nhiều năm “cày xới” trong khu vực, Nga đang ấp ủ kế hoạch đầy tham vọng gọi là Dự án Iceberg mà theo đó Mát-xcơ-va sẽ sử dụng một công nghệ chưa từng thấy để nâng sứ mệnh của mình lên cấp độ mới, đó là sử dụng các tàu ngầm robot khai thác dầu.

Theo BBC, “vũ khí đắc lực” của Dự án Iceberg đó là Belgorod, tàu ngầm hạt nhân dài 182 mét, lớn nhất từ trước đến nay. Belgorod sẽ tiến hành các cuộc điều tra dưới nước và đặt cáp thông tin liên lạc dưới lớp băng nhưng vai trò chính của tàu ngầm này là quản lý một đội tàu ngầm nhỏ hơn. “Tàu ngầm Belgorod là nền tảng cho việc triển khai các hệ thống khác nhau” - Vadim Kozyulin, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm PIR của Nga, cho biết.

Ngoài ra, còn có nhiều tàu ngầm không người lái hoặc các thiết bị lặn không người lái (AUV) khác sẽ tham gia Dự án Iceberg. Trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là AUV Harpsichord-2R-PM vốn được phát triển riêng cho Dự án Iceberg. Hiện tàu có hình dạng giống như ngư lôi dài 6 mét, nặng 2 tấn này đang được thử nghiệm tại Biển Đen cũng như được sử dụng để tìm kiếm những máy bay bị nạn. Lâu nay, AUV thường được sử dụng để khảo sát dưới nước, chưa từng có tiền lệ được sử dụng để khoan đáy biển. Igor Vilnit, Cục trưởng Cục Thiết kế hàng hải Rubin của Nga, tuyên bố cơ quan này đang trong giai đoạn phát triển một AUV có thể khoan đáy biển, dự kiến sẽ ra mắt trong 5 năm nữa.

Tuy nhiên, có lẽ phần tham vọng nhất trong Dự án Iceberg là kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dưới nước đầu tiên trên thế giới, đóng vai trò như các trạm năng lượng cho tàu ngầm không người lái. Mỗi nhà máy sẽ được trang bị một lò phản ứng với công suất 24 megawatt được cho là đang ở giai đoạn “phát triển nâng cao”, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Được biết, mỗi nhà máy hoạt động gần như hoàn toàn tự động khi mà các kỹ thuật viên mỗi năm chỉ đến bảo trì một lần. Trong khi đó, nhiều hoạt động thường nhật khác sẽ được robot đảm trách.

Hiện Nga cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực khi cho xây dựng thêm một số căn cứ trong khu vực sau khi các căn cứ khác đi vào hoạt động hồi đầu năm nay. Giới phân tích cho rằng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng tại khu vực là dấu hiệu cho thấy tham vọng Bắc Cực của Nga vào thời điểm băng tan giúp việc tiếp cận các nguồn năng lượng dễ dàng hơn bao giờ hết.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết