08/09/2020 - 06:06

Vì sao Indonesia có nhiều nhân viên y tế tử vong do COVID-19? 

Berkatnu Indrawan Janguk quyết tâm trở thành chuyên gia nội khoa nhưng anh đã bị đại dịch COVID-19 cướp đi cơ hội đó.

Bác sĩ Indonesia chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: Telegraph

Bác sĩ Indonesia chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: Telegraph

Bác sĩ 27 tuổi người Indonesia này qua đời vào ngày 27-4 do nhiễm COVID-19 sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Dr Mohamad Soewandhi ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, tỉnh lỵ tỉnh Đông Java.

 “Vào thời điểm đó, đơn vị cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân khác là một. Ban đầu con tôi chỉ mang khẩu trang y tế, sau đó nó mới được mang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)” - Inriaty Karawaheni, mẹ của bác sĩ Berkatnu, nói với tờ Straits Times qua điện thoại. Chồng bà Karawaheni cũng đã mất vì dịch bệnh sau con trai 2 tháng.

Berkatnu chỉ là một trong số 105 bác sĩ bị nhiễm COVID-19 và ít nhất 71 người trong số này đã tử vong. Theo Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI), tỷ lệ bác sĩ tử vong do COVID-19 ở nước này là cao nhất Đông Nam Á. Còn Hiệp hội Y tá Quốc gia Indonesia cho biết, ít nhất 300 trong số 1,3 triệu y tá tại đây nhiễm bệnh, trong đó có ít nhất 50 người đã tử vong. Trong bảng xếp hạng của Tổ chức Ân xá Quốc tế về tỷ lệ tử vong của nhân viên y tế do SARS-CoV-2 gây ra, Indonesia được xếp thứ ba, sau Nga và Ai Cập.

Sự thiếu hụt PPE trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Song, Tiến sĩ Adib Khumaidi, Phó Chủ tịch IDI, cho rằng các yếu tố mới, chẳng hạn như khối lượng công việc khổng lồ, thiếu cơ sở hạ tầng y tế tại hầu hết các bệnh viện, đã góp phần gây nên những cái chết ở đội ngũ nhân viên y tế. “Điều quan trọng cần làm là phải sắp xếp lại giờ giấc làm việc và chỉ định một số bệnh viện cụ thể xử lý bệnh nhân COVID-19, bởi điều này sẽ giúp làm giảm sự tiếp xúc với dịch bệnh của các nhân viên y tế” - Tiến sĩ Adib khuyến nghị.

Các bác sĩ ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã phải chịu áp lực rất lớn trước COVID-19. Khoảng 184.000 bác sĩ tại đây phải căng mình xử lý bệnh nhân tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện công. Chẳng hạn, bác sĩ Berkatnu đã phải giám sát tới 90 bệnh nhân trong ca làm việc 8 tiếng/ngày. Đáng lo ngại, có đến 82% số người tham gia cuộc khảo sát trên 1.461 nhân viên y tế do Khoa Y Đại học Indonesia thực hiện nói rằng từng bị kiệt sức khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tiến sĩ Sutrisno, Chủ tịch phân hội IDI ở Đông Java, nơi có nhiều bác sĩ tử vong vì COVID-19 nhất trong số 34 tỉnh của Indonesia, lo ngại với số lượng bệnh nhân càng nhiều, tỷ lệ bác sĩ bị nhiễm virus Corona càng cao. Theo ông Sutrisno, nhân viên y tế dù có khỏe mạnh đến đâu cũng có nguy cơ bị nhiễm cao nếu họ tiếp xúc lâu dài với mầm bệnh. 

Trong bối cảnh đó, Tổ chức xã hội dân sự Lapor Covid-19 mới đây đã cho ra mắt nghĩa trang “kỹ thuật số” để tri ân những nhân viên y tế hy sinh trong đại dịch, qua đó thúc giục chính phủ bảo vệ nhân viên y tế tốt hơn và tăng cường nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, kêu gọi công chúng tôn trọng nhân viên y tế, ngừng kỳ thị họ hoặc gia đình họ khi bị nhiễm bệnh. 

Các nhà dịch tễ học cảnh báo, cuộc chiến chống COVID-19 ở Indonesia sẽ còn kéo dài và cam go. Số ca nhiễm bệnh tăng vọt kể từ tháng 6 khi các hạn chế xã hội được nới lỏng. Tính đến ngày 7-9, Indonesia ghi nhận hơn 194.000 ca nhiễm COVID-19, gồm 8.025 ca tử vong. Kể từ ngày 2-9, số ca nhiễm hàng ngày vượt mức 3.000 trường hợp. 

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết trong ngày 6-9, nước này ghi nhận thêm 90.802 ca nhiễm COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 90.000 ca nhiễm/ngày, đưa tổng số bệnh nhân lên hơn 4,2 triệu ca, chính thức trở thành vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ (khoảng 6,5 triệu ca).  Hiện Ấn Độ đang chứng kiến mức gia tăng số ca COVID-19 lớn nhất trên thế giới, với việc liên tục phát hiện số ca nhiễm theo ngày cao trung bình gấp 2 lần so với Mỹ và Brazil trong thời gian qua. Dường như SARS-CoV-2 đang lây lan rất mạnh trong cộng đồng ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Số người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ hiện là 71.642, cao thứ 3 thế giới.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết