Theo một đánh giá gần đây từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mặc dù tất cả các loại trái cây và rau củ đều có lợi cho sức khỏe, nhưng cà chua là loại trái cây lành mạnh nhất, nhờ cung cấp rất nhiều dưỡng chất giúp phòng ngừa bệnh tật.
Ăn cà chua thường xuyên có thể giúp cơ thể hấp thụ nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Foodrevolution.org
Kết quả phân tích điểm số mật độ dinh dưỡng của 41 loại trái cây và rau củ tốt nhất cho sức khỏe từ CDC cho thấy, cà chua đạt điểm số 20,37 và được đánh giá là lành mạnh nhất cho sức khỏe. Chuyên gia dinh dưỡng Scott Keatley tại Keatley Medical Nutrition Therapy cho biết cà chua chứa nhiều chất dinh dưỡng và là nguồn cung tuyệt vời các chất chống ôxy hóa, đặc biệt là lycopene, một hợp chất hữu cơ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Trong cơ thể, chất chống ôxy hóa giúp ngăn chặn các gốc tự do gây hại vốn có thể gây ra tình trạng căng thẳng ôxy hóa và dẫn đến nguy cơ phát triển ung thư, tiểu đường, bệnh tim và nhiều bệnh mãn tính khác.
Chuyên gia Keatley nói thêm, việc kết hợp cà chua với chất béo lành mạnh như dầu ôliu có thể giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. “Đối với những người thích ăn cà chua sống, việc thêm cà chua vào món rau trộn hoặc ăn cà chua như một món ăn nhẹ vẫn giúp cung cấp nhiều vitamin và nước cho cơ thể”, ông Keatley cho biết. Ngoài lycopene, cà chua còn dồi dào các loại vitamin (gồm A, C, K), khoáng chất như kali, mangan, magiê, natri, canxi, phốt-pho, đồng, chất xơ, folate và prôtêin.
Nên ăn bao nhiêu cà chua mỗi ngày?
Theo chuyên gia Keatley, tuy không có khuyến nghị chung cho tất cả mọi người, nhưng việc kết hợp 1 quả cà chua cỡ vừa hoặc 1 chén cà chua bi vào chế độ ăn hằng ngày sẽ là một khởi đầu tốt cho sức khỏe. Nhưng do cà chua có tính axít, nên không tốt cho người dễ bị loét miệng, vì tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có tính axít có thể gây kích ứng miệng hoặc làm trầm trọng thêm các vết loét sẵn có.
Để đảm bảo loại bỏ bụi bẩn, sâu bệnh và chất bảo quản, chúng ta nên rửa sạch và nấu chín cà chua trước khi ăn. Ngoài ra, cà chua sống có thể nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như Listeria và Salmonella. Vì vậy, những người có nguy cơ cao bị các bệnh do thực phẩm - gồm người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, thai phụ, người có bệnh nền (ung thư, tiểu đường, bệnh gan thận) - cũng cần cẩn trọng khi ăn cà chua sống.
5 lợi ích sức khỏe nổi trội của cà chua
+ Giảm nguy cơ ung thư. Thành phần chống ôxy hóa beta-carotene và lycopene có trong cà chua được biết có tác dụng ngăn ngừa nhiều loại ung thư. Nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ nhiều cà chua có nguy cơ mắc ung thư vú, tuyến tiền liệt, ung thư phổi thấp hơn.
+ Cải thiện sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn chứa nhiều cà chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ðơn cử, một nghiên cứu chỉ ra rằng việc hấp thụ hàm lượng cao lycopene, chất có nhiều trong vỏ cà chua, giúp làm giảm 14% khả năng khởi phát bệnh tim. Một nghiên cứu khác cho thấy việc tăng lượng cà chua hấp thụ dẫn đến làm giảm 36% nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao ở người lớn tuổi.
+ Phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy lycopene trong cà chua có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương và giảm viêm.
+ Hỗ trợ sức khỏe trí não. Một số nghiên cứu cho thấy các chất chống ôxy hóa trong cà chua, như lycopene, có lợi ích phòng chống chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer). Ví dụ, một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người từ 70 tuổi trở lên tiêu thụ lượng lycopene nhiều hơn đã có tốc độ suy giảm chức năng nhận thức chậm hơn.
+ Tốt cho hệ tiêu hóa. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Biology, chế độ ăn nhiều cà chua có thể giúp đa dạng hóa hệ vi sinh vật đường ruột, duy trì quá trình tiêu hóa cân bằng và hệ miễn dịch được tối ưu hóa.
|
AN NHIÊN (Theo Women’s Health, Health.com)