06/07/2011 - 14:52

Vết rạn khó lành

Thời báo Los Angeles (Mỹ) ngày 5-7, cho biết ngay cả khi lực lượng chống đối chính phủ Libye củng cố sức mạnh và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường không kích khu vực “thành trì” của Gadhafi ở phía Tây Libye, cũng không khỏa lấp được những dấu hiệu rạn nứt trong nội bộ NATO. Nhiều thành viên tổ chức này đã bày tỏ lo ngại về việc sụt giảm kho vũ khí của họ và cảnh báo chi phí cũng như sức ép lên chiến dịch đang “quá sức chịu đựng”. Trong khi đó, 8 nước NATO gánh chiến phí tại Libye đã không thể thuyết phục 20 thành viên khác đảm nhận vai trò lớn hơn trong cuộc chiến này.

Ở phía sau hậu trường, các nước lớn còn bất đồng về chiến lược. Mong muốn mau chóng tạo đột phá lật đổ Gadhafi đã khiến một số thành viên NATO có những động thái nguy hiểm hơn, đáng kể nhất là việc Pháp gần đây chuyển giao vũ khí cho quân chống đối tại Libye.

Một số dấu hiệu cho thấy sự bất đồng trong NATO đã trở nên công khai. Tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Hans Hillen phàn nàn về “sứ mệnh kinh hãi” của NATO, khi cho rằng những người ủng hộ chiến dịch đã bị lừa dối. Ông Hillen nói với báo giới tại Brussels (Bỉ) rằng: “Những người nghĩ rằng bằng cách ném vài quả bom để gây sức ép ông Gadhafi từ chức hoặc thay đổi chính sách là khá ngây thơ”. Bộ trưởng Ngoại giao Ý Franco Frattini thì trách NATO đã ném bom làm nhiều dân thường thiệt mạng và kêu gọi ngừng bắn, một động thái mà Mỹ, Anh và Pháp cho là sẽ giúp ông Gadhafi có thời gian củng cố lực lượng.

Tại Washington, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang đối mặt sức ép từ đảng Cộng hòa và các nghị sĩ Dân chủ chống chiến tranh. Còn Na Uy, nước đóng góp 6 chiến đấu cơ thực hiện 10% các cuộc không kích ở Libye, hồi tháng rồi đã trở thành nước đầu tiên quy định ngày kết thúc vai trò tham chiến ở Libye. Bộ Quốc phòng Na Uy đã tuyên bố kế hoạch giảm phần đóng góp của nước này xuống còn 4 máy bay và rút lui hoàn toàn vào ngày 1-8.

Một số quan chức Mỹ và châu Âu trấn an rằng luôn có sự bất đồng như vậy trong các chiến dịch của NATO, nhưng các nước thành viên vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ cam kết. Tháng trước, NATO đã nhất trí kéo dài sứ mệnh tại Libye thêm 3 tháng so với kế hoạch ban đầu là 90 ngày. Tuy nhiên, một số nhà quan sát bên ngoài cho rằng nếu không tạo được đột phá trên chiến trường, dưới sức ép do thiếu hụt tài chính và lực lượng bị dàn mỏng do tham chiến nhiều nơi, các nước phương Tây có thể phải đàm phán điều kiện rút quân với ông Gadhafi.

Chưa hết, NATO còn đối mặt với sức ép từ bên ngoài liên minh. Trong cuộc gặp với các quan chức NATO ở Sochi hôm 4-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích mạnh mẽ việc Pháp chuyển vũ khí cho lực lượng chống đối, cho rằng hành động này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libye.

Các quan chức phương Tây lo ngại rằng việc miễn cưỡng tham gia chiến dịch của nhiều thành viên NATO và sự phản đối của các đảng chống chiến tranh ở trong nước có thể bị Gadhafi và những người ủng hộ ông “khai thác” để tiếp tục gây khó khăn cho liên quân. Cuối tuần rồi, ông Gadhafi dọa sẽ “đưa cuộc chiến tới châu Âu và người Libye đủ sức tấn công khắp thế giới”, động thái được cho là Gadhafi đang tìm cách làm rạn nứt thêm nội bộ NATO.

N. KIỆT
(Theo LATimes, hurriyetdailynews)

N. KIỆT (Theo LATimes, hurriyetdailynews)

Chia sẻ bài viết