19/11/2023 - 11:47

Về Nghệ Tĩnh...
Bài 1: Từ Làng Sen 

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

LTS: Trang “Sáng tác - Biên khảo” Báo Cần Thơ số ra chủ nhật các ngày: 19-11, 26-11, 3-12 và 10-12 có loạt bài ghi chép “Về Nghệ Tĩnh...”. Kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi!

“Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”

Về Nghệ Tĩnh (nay gồm tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi tìm ngắm “sông Lam rọi núi Hồng”, nhìn mênh mông của hồ Kẻ Gỗ, lắng nghe bao câu chuyện của mảnh đất anh hùng, của con người trên quê hương “Nghệ Tĩnh Ðỏ”... Và một lần đặt chân đến Kim Liên quê Bác, nghe kể về thời niên thiếu của Người, lòng xiết bao xúc động.

Bài 1: Từ Làng Sen

“Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát. Hương đóa sen thanh bạch Hồ Chí Minh. Còn non còn nước còn người. Mà hương sen vẫn muôn thuở ngàn đời không phai”. Trên đường từ trung tâm TP Vinh đến quê Bác Hồ ở xã Kim Liên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, anh tài xế cứ phát đi phát lại bài hát “Từ Làng Sen” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, như là cách giới thiệu ý nhị của người xứ Nghệ về quê hương.

“Nhà cụ Phó bảng”

Về Làng Sen, chúng tôi xúc động trước mái nhà đơn sơ sau hàng rào râm bụt. Chúng tôi đã được đặt chân đến ngôi nhà mà mình thường ngắm nhìn qua phim ảnh, sách báo. Khi biết đoàn chúng tôi từ Cần Thơ ra, chị Nguyễn Thị Thanh, hướng dẫn viên của Khu di tích Kim Liên, vui lắm: “Vậy là những người con của miền Tây sông nước về thăm quê Bác, về với Làng Sen”. Chất giọng xứ Nghệ của chị đằm thắm, dịu dàng, cuốn hút chúng tôi vào câu chuyện thời niên thiếu của
Bác Hồ.

Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen.

Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen. 

Ðầu tiên, chúng tôi được nhìn ngắm ngôi nhà 5 gian, gọi là “Nhà ông Phó bảng”, nơi tuổi thơ của Bác cùng với anh, chị đã lớn lên trong sự yêu thương, chở che của cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc mồ côi từ nhỏ, được cụ đồ làng Hoàng Trù là Hoàng Xuân Ðường nhận về nuôi, cho ăn học. Sau, được cụ Hoàng Xuân Ðường gả con gái là Hoàng Thị Loan, dựng cho vợ chồng trẻ ngôi nhà 3 gian. Trong ngôi nhà này, 3 người con của cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Hoàng Thị Loan lần lượt chào đời là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Ðạt) và Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất Thành).

Năm 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hội, đỗ Phó bảng. Lần đầu tiên ở Làng Sen có người đỗ đại khoa nên dân làng đã trích mảnh đất rộng khoảng 2.500m2, là đất học điển, làm vườn, mua một ngôi nhà 5 gian bằng gỗ, lợp tranh lá mía, về dựng và mời gia đình cụ Phó bảng về ở. Thời gian này, cụ Nguyễn Sinh Thuyết, anh trai cùng cha khác mẹ với cụ Phó bảng, cũng chuyển ngôi nhà ngang tặng em làm nhà bếp.

Trước khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng chỉ vài tháng, cụ Hoàng Thị Loan sau khi sinh con trai Nguyễn Sinh Xin không lâu thì lâm bệnh mất và con trai Út cũng qua đời. Ðỗ Phó bảng, vua thưởng tấm biển “Ân tứ ninh gia”, nghĩa là “Ơn vua ban cho gia đình tốt”, cụ mang về đặt bên cạnh bàn thờ vợ, để tưởng nhớ người vợ hiền suốt đời vì chồng, vì con.

Trong ngôi nhà mà nay gọi là “Nhà ông Phó bảng”, Bác Hồ cùng anh, chị đã ở cùng cha từ năm 1901-1906 (tức lúc Bác Hồ từ 11-16 tuổi). Chính tại ngôi nhà này, tuổi thơ Bác đã nhiều lần được tiếp xúc với các sĩ phu, nhà nho yêu nước như: Phan Bội Châu, Ðặng Thái Thân, Ðặng Nguyên Căn, Vương Thúc Quý... và sớm hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân, nuôi chí lớn giúp dân, giúp nước. Cuối năm 1906, Bác theo cha vào Huế, học ở Trường Quốc học Huế, 3 năm sau thì rời Huế vào Nam, để bắt đầu một hành trình mới - hành trình đi tìm đường cứu nước. Ngôi nhà 5 gian này hiện là nơi thờ cụ Phó bảng, cụ Hoàng Thị Loan, 4 anh, chị, em của Bác Hồ, riêng em Bác thì do mất từ nhỏ nên không có hình thờ.

Chị Nguyễn Thị Thanh hướng dẫn khách tham quan ngôi nhà mà cụ Nguyễn Sinh Thuyết, anh trai cụ Nguyễn Sinh Sắc, đã tặng sau khi cụ đỗ Phó bảng.

Chị Nguyễn Thị Thanh hướng dẫn khách tham quan ngôi nhà mà cụ Nguyễn Sinh Thuyết, anh trai cụ Nguyễn Sinh Sắc, đã tặng sau khi cụ đỗ Phó bảng.

Rời chân khỏi ngôi nhà 5 gian rợp mát cây xanh, in dấu tuổi thơ của Bác, chúng tôi đến thăm giếng Cốc cách đó không xa. Giếng này do ông Nguyễn Danh Cốc, người làng Sen đào hồi cuối thế kỷ XVIII để lấy nước dùng nên nhân dân gọi đây là giếng Cốc. Giếng ghi dấu hoạt động của Ðội Chung nghĩa binh do Tú tài Vương Thúc Mậu (thân sinh Cử nhân Vương Thúc Quý - thầy dạy học của Bác Hồ thời niên thiếu) lãnh đạo và cũng là nơi Bác thường ra chơi và gánh nước về cho gia đình dùng. Gần đó là di tích lò rèn cố Ðiền, nơi Bác Hồ thường qua giúp cố Ðiền đập đe, thụt bể, nhặt sắt vụn làm đồ chơi và nghe bà con bàn việc nước, luận việc đời. Chúng tôi còn được về quê ngoại Bác Hồ, về ngôi nhà mà cụ Hoàng Thị Loan đã sinh 3 người con yêu nước.

Chị Thanh, thuyết minh viên khu di tích, kể lại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chị và anh của Bác Hồ là cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm mới hay em trai mình là Chủ tịch nước. Cụ Thanh chuẩn bị ra Hà Nội, cụ nói với lối xóm: “Chuyến này tôi đi Hà Nội, tìm cụ Hồ Chí Minh xem có đúng là cậu Thành, em trai của tôi không”. Cuộc gặp của Bác và chị tại nhà GS Ðặng Thai Mai sau đằng đẵng bao năm xa cách, bùi ngùi khó tả. 1 tuần sau, cụ Khiêm cũng tìm ra Hà Nội thăm em, tại Bắc Bộ Phủ. Ai ngờ, đó cũng là lần cuối cùng Bác Hồ gặp gỡ anh chị của mình. Cụ Khiêm mất năm 1950, giữa lúc Chiến dịch Thu Ðông ác liệt; cụ Thanh mất ngày 25-4-1954, đang lúc Chiến dịch Ðiện Biên Phủ cao trào. Vì việc nước, Bác không thể về quê đưa tiễn...

Người về thăm quê

Làng Sen có từ hàng trăm năm, nay thì bà con Kim Liên chuyển đổi cây trồng nhiều. Chính quyền địa phương nỗ lực duy trì những ao sen, đồng sen dọc đường vào quê nội và quê ngoại của Bác, với 2 mùa hoa rực nở vào tháng 5 và tháng 9, để dâng Bác những đóa sen hồng trên quê hương.

Từ ngày rời Làng Sen năm 16 tuổi, mãi đến tháng 6-1957, tức 51 năm sau, Bác Hồ mới lần đầu về thăm lại quê hương, sau những lo toan việc nước. Lần đó Bác về, Bác không ở nhà khách của tỉnh mà đi thẳng về Làng Sen. Bác bảo rằng, nhà khách là để tiếp khách, còn Bác đâu phải là khách, Bác về thăm nhà, thăm quê. Nghe vậy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An khi đó nghẹn ngào xúc động và trào dâng tự hào.

Dù hơn nửa thế kỷ mới về quê, nhưng Bác Hồ vẫn nhớ từng chi tiết, từng kỷ niệm. Bác lần theo lối quen vào thắp nhang ở nhà thờ họ. Bác tần ngần nhìn lại cảnh cũ, nhà xưa. Lối vào nhà có bảng ghi “Nhà Hồ Chủ tịch”, Bác thấy liền nói với mọi người: “Các chú ghi sai rồi, đây không phải là nhà của Hồ Chủ tịch, mà nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Vì Bác còn có chị và anh nữa”. Sự tinh tế và sâu sắc của Bác Hồ lại khiến mọi người thêm một lần nữa xúc động. Bác vào nhà, đi đến đâu lại chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật.

Bác nhớ tường tận cổng nhà ở hướng nào, phát hiện bộ phảng đã cưa ngắn lại vì cháy bén... Bác còn hỏi về giếng Cốc, về lò rèn cố Ðiền, hỏi thăm người bạn thuở thiếu thời. Bác chỉ cho mọi người, nhà Bác xưa, một bên có bờ mận hảo, bên kia là dãy râm bụt, trước cổng nhà có cây ổi đào, sân nhà Bác có cây bưởi, đầu hồi có cây cam, sau nhà có hàng cau đẹp... Cán bộ tỉnh xin phép Bác tận dụng khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng hoa, Bác bảo: “Trồng hoa khoai cũng đẹp”. Thời chiến tranh, đời sống nhân dân còn khó khăn, ý Bác muốn trồng cây trái để có thể dùng được, phục vụ đời sống. Từ đó đến nay, vườn nhà Bác mùa nào thức ấy, nào khoai, nào đậu phộng, xanh rờn quanh năm.

Lối vào ngôi nhà, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời.

Lối vào ngôi nhà, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời. 

Trong lần về thăm quê này, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với nhân dân Nghệ An. Bác xúc động: “Tôi là người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay lần đầu trở lại về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là: Quê hương nghĩa trọng tình cao / Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Lời nói ấy, câu thơ ấy, đã đi vào lịch sử.

Cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Lần này, Bác về thăm làng Hoàng Trù quê ngoại trước. Bác bùi ngùi khi nhìn hình ảnh ngôi nhà 3 gian nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, nơi chiếc giường thấp mẹ Bác đã vỗ về Bác những giấc ngủ ấu thơ bằng những làn điệu dân ca xứ Nghệ, Bác ngắm nhìn án thư nơi cha Bác đọc sách thánh hiền, nơi chị Bác, anh Bác sinh hoạt hằng ngày... Từng hình ảnh ngày xưa hiện về thật rõ. Nhìn cảnh cũ nhớ người xưa, Bác Hồ rưng rưng
xúc động.

Bác hỏi han chuyện làm ăn của bà con Làng Chùa, hỏi thăm từng người bà con, người còn, người mất. Rồi Bác lại về thăm quê nội, Bác vui vì khung cảnh đã được phục dựng như xưa. Trong lần về thăm quê thứ hai, Bác Hồ còn có cuộc nói chuyện với Ban Chấp hành Ðảng bộ Nghệ An ngày 8-12, thăm nhà máy cơ khí Vinh và nói chuyện với đại diện nhân dân trong tỉnh tại sân vận động thị xã Vinh...

***

Những câu chuyện này chúng tôi được nghe thuyết minh viên kể lại và cảm nhận qua từng mái nhà, hiện vật ở Khu di tích Kim Liên. Chúng tôi lại càng cảm nhận rõ ràng hơn sự giản dị, gần gũi của một vị Lãnh tụ, cảm nhận tình cảm của Bác Hồ dành cho quê hương, đất nước. Sau nhiều năm đưa khách về Làng Sen, anh tài xế như chừng hiểu ý khách nên trên đường về, anh mở bài “Bác về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến: “Ði khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha. Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ. Thương mái nhà tranh, thương đất mẹ nghèo. Ði suốt cuộc đời mới về thăm quê hương. Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải. Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ. Gặp lại tuổi xuân đi nghe hát đò đưa...”. Bài hát hay đến vô cùng!

Kính mời quý độc giả xem bài tiếp theo: “Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người”trên Báo Cần Thơ chủ nhật, ngày 26-11.

 

 

 

Chia sẻ bài viết