Khoa Y học cổ truyền, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ tổ chức chương trình tập huấn ngắn hạn, với mong muốn phổ biến đến cộng đồng các phương pháp điều trị những bệnh thường gặp bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Lớp học đầu tiên vừa kết thúc, học viên là đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Ðại học Cần Thơ bày tỏ sự phấn khởi, hài lòng về những kiến thức chăm sóc sức khỏe bổ ích, có thể tập luyện, vận dụng được ngay cho bản thân và người thân.
TS.BS Lê Minh Hoàng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BV
Học làm thầy thuốc của chính mình
Chị Nguyễn Thúy Hằng, 45 tuổi, giảng viên Trường Kinh tế, Trường Ðại học Cần Thơ cho biết chị thường ho hen, đau nhức xương khớp do ảnh hưởng của việc đứng lớp giảng bài. Qua 8 buổi tập huấn, chị được các chuyên gia y học cổ truyền cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan các bệnh nghề nghiệp của chị, kể cả các “bệnh thời sự” hiện nay như tim mạch, đột quỵ. Sau khóa học, mỗi khi rảnh rỗi, chị sẽ tranh thủ day ấn các huyệt, xoa bóp tay chân để thư giãn, hồi phục sức lực giữa các tiết dạy cũng như chủ động ngăn ngừa bệnh tật. Chị Hằng nói vui: “Bây giờ, mình có thể ít nhiều làm thầy thuốc của chính mình”.
Cùng với chị Hằng, học viên của lớp học chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên, trong đó phần đông là phụ nữ. Chị em thường gặp các vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, với các triệu chứng suy nhược cơ thể. Lớp tập huấn dành riêng một chuyên đề nói về chủ đề này, giúp học viên nhận diện được tình trạng, mức độ bệnh, các phương pháp chẩn đoán và điều trị để từng bước cải thiện sức khỏe.
TS.BS Lê Minh Hoàng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ cho biết, trong y học cổ truyền, suy nhược cơ thể thuộc vào nhóm hội chứng bệnh gọi là hư lao, chỉ tình trạng cơ thể đang thiếu hụt hay suy yếu ở vị trí nào đó. Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, chán nản, căng thẳng tinh thần, ăn uống kém, ngủ không ngon giấc... Thậm chí một số trường hợp sức khỏe suy giảm khiến người bệnh cảm giác như đang mắc bệnh nghiêm trọng. Nhất là đối với người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, mắc các bệnh mạn tính thường suy giảm chức năng cơ thể, kéo dài dẫn đến suy nhược.
Ngoài ra, theo TS.BS Lê Minh Hoàng, người thường xuyên bị áp lực công việc, môi trường sinh hoạt, vận động không phù hợp hay phụ nữ sau sinh, người bệnh sau phẫu thuật cũng có thể bị suy nhược cơ thể. Việc điều trị suy nhược cơ thể bằng y học cổ truyền áp dụng các phương pháp dùng thuốc như dược liệu, thảo dược, các sản phẩm đông y; phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt hoặc các kỹ thuật vật lý trị liệu. Sau thăm khám, dựa vào cơ địa và tình trạng từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định những phác đồ riêng. Người bệnh tuân thủ, đáp ứng điều trị sẽ có kết quả hồi phục, cải thiện sức khỏe dần.
Theo TS.BS Lê Minh Hoàng, lớp tập huấn chủ yếu hướng tới phổ biến các kiến thức chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cho những người không phải là cán bộ, nhân viên y tế. Mục đích đầu tiên là giúp học viên nhận diện các bệnh thường gặp, với những triệu chứng bất thường. Sau khi nhận diện, sẽ đánh giá xem mức độ bệnh và cuối cùng là chủ động can thiệp điều trị bằng các liệu pháp tại nhà hoặc cần thiết tìm đến cơ sở y tế. Người bệnh cần điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng để đẩy lùi bệnh, cải thiện sức khỏe.
Người bệnh thông thái
Lĩnh vực y học cổ truyền tại TP Cần Thơ phát triển mạnh, với hệ thống các đơn vị y tế chuyên khoa và chuyên sâu như Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền TP Cần Thơ, các khoa Y học cổ truyền ở BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, BV Ða khoa TP Cần Thơ, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ. Ở tuyến quận huyện, các BV, trung tâm y tế đều có các khoa y học cổ truyền và cán bộ chuyên khoa.
Mạng lưới trạm y tế các xã, phường toàn thành phố đều có cán bộ phụ trách lĩnh vực y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, các cấp hội Ðông y từ thành phố đến chi hội ở các tuyến quận, huyện có đội ngũ lương y, lương dược. Ðó là điều kiện thuận lợi để người dân thành phố và các tỉnh trong vùng được chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về thực trạng núp bóng y học cổ truyền để bán các sản phẩm kém chất lượng, khiến người dân chậm trễ được chữa trị bệnh mà còn tiền mất tật mang. Theo TS.BS Lê Minh Hoàng, trên nền tảng mạng xã hội, các bài thuốc được quảng cáo công dụng tuyệt vời như thần dược, có nguồn gốc từ y học cổ truyền, như “ba đời nhà tôi trị dứt bệnh đái tháo đường”. Thậm chí, nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ cũng “tiếp tay” những kênh quảng cáo này khiến người dân lầm tin. Ðó cũng là vấn nạn khiến cán bộ của ngành y học cổ truyền rất trăn trở về việc xử lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến người bệnh và làm mất uy tín của đội ngũ chuyên khoa.
TS.BS Lê Minh Hoàng cho biết, quá trình thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ thường giải thích cho người bệnh hiểu nếu thuốc gì uống hôm trước, hôm sau khỏi bệnh ngay thì đó không phải y học cổ truyền vì thuốc y học cổ truyền thông thường sẽ có tác dụng từ từ. Bác sĩ khuyến cáo, bên cạnh việc tin tưởng, kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng y học hiện đại với y học cổ truyền, mỗi người dân cần thường xuyên trang bị, nâng cao những hiểu biết về kiến thức y tế, chăm sóc sức khỏe để có thể là một người bệnh thông thái, biết nhận diện và ứng phó, can thiệp xử lý bệnh tốt nhất.
Theo TS.BS Lê Minh Hoàng, lĩnh vực y học cổ truyền hiện nay rất phát triển. Ðội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa thường xuyên thực hiện các đề tài nghiên cứu, cập nhật những tiến bộ, xu hướng mới của thế giới trong lĩnh vực y học cổ truyền, kết hợp cùng với y học hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Tại Khoa Y học cổ truyền, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, hằng năm, các giảng viên đều thực hiện các đề tài nghiên cứu về nhiều lĩnh vực. Thứ nhất là nghiên cứu tác dụng của các bài thuốc gia truyền, bài thuốc cổ phương Ðông trong chuyên ngành trên thực nghiệm và tiến tới lâm sàng. Thứ hai là chứng minh phác đồ đang sử dụng có tác dụng, hiệu quả chữa trị đối với bệnh nhân, như phác đồ dùng thuốc kết hợp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt trong điều trị đau lưng hay phục hồi vận động sau đột quỵ.
Thời gian tới, Khoa Y học cổ truyền, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, ký kết hợp tác với các tổ chức y khoa quốc tế, nhất là Ðài Loan, ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bằng y học cổ truyền, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
THU SƯƠNG