31/12/2009 - 09:00

Vấn đề lớn của Ai Cập

Những người biểu tình kêu gọi tuyệt thực
vì Gaza.
Ảnh: AFP

Hôm qua, trước sức ép của hơn 1.400 người biểu tình đến từ 42 nước khác nhau trên khắp thế giới, chính quyền Ai Cập đã cho phép 100 người trong số này vượt biên giới vào Dải Gaza để tham gia cuộc tuần hành tưởng niệm hàng ngàn người Palestine ở Gaza thiệt mạng trong cuộc tấn công quân sự của Israel cách nay một năm. Trong bài viết có tựa đề “Vấn đề lớn của Ai Cập” đăng trên trang tin trực tuyến Al Jazeera của Qatar ngày 29-12, nhà phân tích chính trị Marwan Bishara nhận định: “Tự tạo khoảng cách với thế giới yêu chuộng hòa bình, Ai Cập đang mất cơ hội cuối cùng để lấy lại vị thế bị mất lâu nay ở khu vực”.

Một năm sau cuộc chiến phá hủy Gaza của Israel, Ai Cập đang cản trở các đoàn viện trợ quốc tế vào khu vực có 1,5 triệu người khốn khó này, thậm chí đang xây dựng một “bức tường thép” với cái cớ đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia. Vai trò cường quốc ở khu vực của Ai Cập bắt đầu suy yếu vào cuối thập niên 1970, khi Cairo từ bỏ vị trí lãnh đạo thế giới A-rập để đổi lấy thỏa thuận hòa bình riêng với Israel, liên minh với Mỹ để nhận viện trợ mỗi năm 2 tỉ USD. Tuy nhiên, những hành động gây hấn của Israel suốt thập niên 1980 đã khiến Ai Cập bẽ mặt và thế giới A-rập xa lánh, chẳng hạn như việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan chiếm đóng của Syrie, ném bom các cơ sở hạt nhân Iraq năm 1981, tấn công Liban năm 1982, truy quét người Palestine ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng và ám sát lãnh đạo của họ...

Có thể nói, thắng lợi của Mỹ trong cuộc Chiến tranh lạnh sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã mở ra hy vọng cho Ai Cập khôi phục vị thế khu vực với sự đỡ đầu của Washington. Việc Mỹ can thiệp quân sự vào vùng Vịnh sau khi Iraq tấn công Koweit đã giúp củng cố quan hệ giữa Ai Cập với siêu cường số một thế giới. Cairo đã “giành lại” quyền làm nơi đặt trụ sở của Liên đoàn A-rập từ Tunisie, vốn bị chuyển đi sau khi Ai Cập ký các hiệp ước với Israel. Tuy nhiên, vai trò dẫn dắt cái gọi là “các chế độ A-rập ôn hòa” của Ai Cập tồn tại không lâu. Arabie Séoudite và các nước vùng Vịnh bác bỏ vai trò trực tiếp của Ai Cập ở khu vực, trong khi Iran và Syrie thành lập khối khác để tẩy chay Ai Cập. Bên cạnh đó, sự can thiệp quân sự của Mỹ ở một số nước châu Phi thập niên 1990, làm cho ảnh hưởng của Ai Cập suy yếu dần ở vùng Maghreb (Bắc Phi), Lybie và Sudan. Học thuyết “Đại Trung Đông” của cựu Tổng thống Mỹ George Bush, dẫn tới 2 cuộc chiến tranh Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003, càng làm “mờ nhạt” vai trò của Ai Cập ở khu vực.

Theo các nhà phân tích, Ai Cập đã bỏ quên Gaza, vốn là nơi cuối cùng có thể khôi phục ảnh hưởng sau khi Israel rút quân khỏi khu vực này. Hành động dựng lên “bức tường thép” của Cairo ở biên giới giáp Dải Gaza nhằm cô lập Hamas, có thể đã khép lại cơ hội cuối cùng đó, sau những “màn kịch” nối lại “tiến trình hòa bình” do phương Tây bảo trợ nhưng lâu nay vẫn bế tắc.

N. MINH

Chia sẻ bài viết