06/06/2016 - 20:40

Uống vitamin A, đảm bảo quyền lợi của trẻ

Vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Việc thiếu vitamin A dẫn đến hậu quả trẻ bị còi cọc, giảm sức đề kháng, khô mắt, dẫn đến mù lòa... Vì thế, hằng năm, ngành y tế tổ chức 2 đợt chiến dịch bổ sung vitamin A vào tháng 6 và tháng 12. Đợt I diễn ra từ 1-6 đến 7-6-2016. Dịp này, các trạm y tế (TYT) lồng ghép việc uống vitamin A với tiêm ngừa và cân đo trẻ.

* Thiếu vitamin A: tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ

Theo các bác sĩ, vitamin A có 4 vai trò chính đó là: Tăng trưởng (giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường), thị giác, bảo vệ biểu mô, miễn dịch... Vì thế, khi thiếu vitamin A làm trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm trùng nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và sởi. Nhiễm trùng và thiếu vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Ở mức độ thiếu vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, gọi là bệnh "khô mắt", nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn. Thạc sĩ Trần Xuân Huyền, Phó khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: "Biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là trẻ bị quáng gà; hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Tức là lúc chập choạng tối, trẻ không nhìn rõ, dễ bị té ngã, đứa trẻ trở nên nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ, không dám chạy đùa theo bạn. Trẻ bị quáng gà, gia đình có thể liên hệ với các trạm y tế khám và nhận vitamin A uống theo phác đồ. Sau khi điều trị, thị lực của trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn".

Theo Viện Dinh dưỡng, trẻ dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A; nguyên nhân do chế độ ăn ít vitamin A, các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy..., đặc biệt là nhiễm giun đũa. Trẻ suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt vitamin A. Để bổ sung vi chất quan trọng này cho trẻ, nhiều năm nay ngành y tế tổ chức uống vitamin A bổ sung. Cụ thể: Trẻ từ 6-36 tháng uống vitamin A tại các trạm y tế. Các bà mẹ sau sinh trong một tháng được cấp phát viên nang vitamin A thường xuyên có sẵn tại các khoa sản bệnh viện, nhà hộ sinh, phòng khám khu vực, bảo sinh khu vực và (TYT. Đối tượng nguy cơ (trẻ trên 36 tháng đến 5 tuổi) thuộc nhóm nguy cơ (suy dinh dưỡng, sau bệnh sởi, tiêu chảy kéo dài, nhiễm trùng đường hô hấp) được cấp phát viên nang vitamin A thường xuyên tại khoa nhi bệnh viện, phòng khám khu vực, TYT. Phụ nữ mang thai được cán bộ y tế ghi toa bổ sung viên sắt/axit folic thường xuyên hằng tháng cho đến sau sinh một tháng. Thạc sĩ Trần Xuân Huyền lưu ý: Nếu có lý do, trẻ không đến TYT uống vitamin A, bà mẹ sau sinh trong một tháng, trẻ nguy cơ chưa được cấp phát vitamin A thì có thể liên hệ nhận vitamin A uống bổ sung tại TYT. Đây là quyền lợi sức khỏe của trẻ. Ngoài uống bổ sung vitamin A, gia đình có thể cho trẻ bổ sung thêm thông qua thực phẩm ăn hàng ngày như: các loại rau quả có màu vàng hoặc xanh đậm: cà rốt, cam, quýt, rau muống..., thịt bò, sữa, cá hồi...

Nhiều gia đình có tâm lý "thuốc cho miễn phí không tốt" nên muốn tự mua vitamin A. Tuy nhiên hiện nay, vitamin A bán ở các tiệm thuốc tây hàm lượng chỉ có 5.000 - 10.000 đơn vị, thấp hơn vitamin A phát miễn phí từ 10-20 lần.

* Kiểm tra kỹ liều lượng uống vitamin A

Liều lượng vitamin A: Trẻ 6-12 tháng tuổi (trẻ sinh từ ngày 1-6-2015 đến 31-12-2015), uống một viên nang vitamin A 100.000 đơn vị (màu xanh). Trẻ em 13-36 tháng tuổi (trẻ sinh từ 1-6-2013 đến 31-5-2015), bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống một viên nang vitamin A 200.000 đơn vị (màu đỏ). Trẻ dưới 6 tháng không được bú sữa mẹ hoàn toàn uống một giọt viên màu xanh (tương đương 50.000 đơn vị). Khi trẻ uống quá liều lượng vitamin A, trẻ bị ngộ độc như đau đầu, co giật, buồn nôn, tiêu chảy… Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống vitamin A từ 6- 24 giờ, trẻ được điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, vitamin A liều cao này chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, sau chiến dịch, việc uống vitamin A cho đối tượng nguy cơ, bà mẹ sau sinh được duy trì thường xuyên tại các TYT, bệnh viện có khoa sản, khoa nhi. Các bệnh viện, trung tâm y tế cũng chỉ đạo khoa sản, khoa khám ghi toa mua uống bổ sung viên sắt cho thai phụ sau mỗi lần khám thai và sau sinh.

Vừa qua, Viện Dinh dưỡng; Viện Y tế công cộng, TP Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Y tế dự phòng kiểm tra việc triển khai uống vitamin A tại trạm y tế: Tân Phú, Hưng Phú (quận Cái Răng), Thới Thuận (quận Thốt Nốt). Qua kiểm tra, các đơn vị có kế hoạch triển khai, phổ biến cho cộng tác viên, lập danh sách đối tượng uống... đặc biệt Trung tâm Y tế dự phòng quận Thốt Nốt chỉ đạo sát sao cùng sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cộng tác viên nên TYT thực hiện tốt các khâu.

H.HOA

Chia sẻ bài viết