03/09/2014 - 21:20

TP CẦN THƠ

Ứng dụng và phát triển Phần mềm nguồn mở trong hoạt động của cơ quan nhà nước

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tập trung đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó, có ứng dụng và phát triển Phần mềm nguồn mở (PMNM) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng PMNM trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, rất cần được ngành chức năng quan tâm, có giải pháp tháo gỡ...

PMNM được phát triển từ thập niên 1980 tới nay đã trở nên phổ biến. Phần mềm này có khá nhiều ưu điểm nổi bật về an toàn thông tin, giảm thời gian phát triển phần mềm, cải thiện chất lượng và giảm chi phí sở hữu phần mềm, giảm thiểu các vi phạm bản quyền. Hơn nữa, không giống phần mềm nguồn đóng (phần mềm nguồn đóng là mã nguồn không công khai), PMNM cung cấp mã nguồn. Do vậy, người dùng có thể kiểm tra phần mềm gián điệp, vi-rút hay lỗ hổng bảo mật; đồng thời, có thể tùy biên hoặc sửa lại mã nguồn, để có những tính năng đáp ứng nhu cầu đặc thù. Chính vì vậy, ứng dụng và phát triển PMNM đã và đang trở thành một xu thế trên thế giới, đặc biệt trong khu vực công – nơi an toàn thông tin được coi trọng hàng đầu. Đến nay, trên thế giới đã có hơn 190 nước đã ban hành chính sách quốc gia về PMNM, như: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nam Phi, Brazil, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan...

Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường Long Tuyền, quận Bình Thủy đang tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho công dân.

Ở Việt Nam, tầm quan trọng của PMNM đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển PMNM. Thời gian gần đây, một số địa phương đã nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bước đầu ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ khi triển khai các hệ thống công nghệ thông tin. Chẳng hạn, tại tỉnh Bắc Giang, 16 cơ quan nhà nước trên địa bàn sử dụng trang thông tin điện tử nguồn mở; 5 huyện, sở sử dụng phần mềm MCĐT nguồn mở. Tại tỉnh Quảng Nam, 90% trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc tỉnh là PMNM; phần mềm trường học điện tử cũng được xây dựng trên nền nguồn mở. Hay tại TP Đà Nẵng đang triển khai Khung Chính phủ điện tử trên nền nguồn mở…

Riêng ở TP Cần Thơ, việc ứng dụng và phát triển PMNM trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng được lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng quan tâm, thực hiện. Cụ thể, thành phố đã ứng dụng PMNM trong quản trị hạ tầng Trung tâm Dữ liệu thành phố (hiện tại, 50% máy chủ tại Trung tâm chạy trên nền tảng mã nguồn mở). Ứng dụng PMNM trong các tác nghiệp văn phòng của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai PMNM trong các ứng dụng tác nghiệp, quản lý dùng chung như: Triển khai PMNM "Một cửa điện tử" tại 100% sở, ngành thành phố; triển khai 100% PMNM quản lý văn bản và điều hành tại 100% sở, ngành thành phố…

Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, nhận thức chung của cán bộ, công chức, viên chức về PMNM và việc nên sử dụng PMNM được nâng cao, nhất là đối tượng lãnh đạo, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Nhiều PMNM đã được lựa chọn sử dụng, phát triển trong thực tế, nhất là phần mềm quản trị mạng, phầm mềm công cụ, phần mềm quản lý. Tuy nhiên, việc ứng dụng và phát triển PMNM tại thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều sử dụng thường xuyên các ứng dụng văn phòng trên nền tảng mã nguồn đóng. PMNM phổ biến chỉ ở một số ít ứng dụng tiện ích (như:Unikey, Firefox…). Không chỉ vậy, PMNM được sử dụng cho việc quản trị hệ thống Trung tâm Dữ liệu thành phố còn mang tính đơn lẻ, chưa được triển khai giải pháp tích hợp đồng bộ, bền vững. Việc triển khai các giải pháp quản lý bằng PMNM trên phạm vi lớn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ sử dụng, khắc phục lỗi, dịch vụ bảo trì nâng cấp… Thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên triển khai các ứng dụng PMNM trong quản trị Hệ thống Trung tâm dữ liệu và các dịch vụ cơ bản dùng chung theo hướng tích hợp giải pháp tổng thể. Từng bước chuyển đổi các ứng dụng quản lý dùng chung cho cơ quan nhà nước từ ngồn đóng sang nền tảng PMNM. Nâng cao kỹ năng sử dụng, quản trị và phát triển các ứng dụng trên nền tảng PMNM cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ngành, UBND quận, huyện; hỗ trợ xây dựng và duy trì hoạt động của cộng đồng nguồn mở tại địa phương.

Ông Dương Thế Dũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng chiến lược thực hiện nghiêm bản quyền phần mềm trong xã hội và hệ thống cơ quan nhà nước. Đồng thời, Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành của quốc gia. Trên cơ sở đó, xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử thống nhất trên toàn quốc…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết