Từ khi căng thẳng biên giới giữa Ukraine với Nga leo thang, các nước phương Tây đã nhanh chóng tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Kiev.
Chẳng hạn Mỹ phê chuẩn gói hỗ trợ quân sự lên đến 200 triệu USD, gồm đạn dược, vũ khí chống tăng và các thiết bị có giá trị khác. Từ năm 2014, Washington đã viện trợ cho Kiev các trang thiết bị quân sự trị giá hơn 2,5 tỉ USD, như tên lửa chống tăng Javelin, tàu tuần tra biển, xe Humvee, súng bắn tỉa, máy bay do thám không người lái, hệ thống radar, thiết bị vô tuyến và giám sát đêm...
Cùng với viện trợ vũ khí, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo nước này sẽ bảo lãnh khoản vay 1 tỉ USD giúp Ukraine triển khai chương trình cải cách kinh tế “nhằm thúc đẩy sự ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế”. Thông báo còn cho biết Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ cũng có ý định cung cấp 3 tỉ USD hỗ trợ Kiev mua sắm hàng hóa và dịch vụ Mỹ cho các dự án tại Ukraine, trong khi Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ đang có danh mục đầu tư gần 800 triệu USD vào hơn một chục dự án khác tại quốc gia Ðông Âu này. Giai đoạn 2014-2016, chính quyền Mỹ đảm bảo 3 khoản vay riêng biệt trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự kiến sẽ sớm công bố gói viện trợ kinh tế mới cho Ukraine, sau khi đã cung cấp chương trình viện trợ trị giá 5 tỉ USD cho Kiev trong vòng 18 tháng từ giữa năm 2020 và 17 tỉ USD từ năm 2014. Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo sẽ cung cấp số tiền 1,2 tỉ euro hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và chương trình cải cách cơ bản ở Ukraine. Pháp cũng cam kết số tiền tương đương, chủ yếu là tín dụng mua động cơ phát điện từ Pháp. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay EU đã cung cấp cho Ukraine số tiền viện trợ kỷ lục, lên tới 17 tỉ euro kể từ năm 2014. Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu mỗi bên dự kiến sẽ hỗ trợ 1 tỉ USD cho Ukraine trong năm nay. Trong khi đó, Canada hứa sẽ cung cấp cho Ukraine khoản vay thúc đẩy cải cách và quản trị kinh tế gần 400 triệu USD, cùng 6,1 triệu USD viện trợ quân sự...
Tính toán sơ bộ, tổng viện trợ kinh tế song phương và đa phương cho Ukraine trong năm 2022 đã lên tới 10 tỉ USD, cao hơn nhu cầu ngoại tệ 8,5 tỉ USD của Kiev trong năm nay. Ðược biết, dự trữ ngoại tệ của Ukraine hiện đạt khoảng 31 tỉ USD, mức cao nhất trong vòng một thập niên qua.
Tuy nhiên, bất chấp những “cơn mưa viện trợ” từ phương Tây, Ukraine vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình và nền kinh tế bị cho là vô cùng đình trệ. Theo WB, Ukraine hiện nghèo hơn khoảng 20% so với năm 1990. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine đạt khoảng 181 tỉ USD năm 2021, xếp thứ 55 trên thế giới.
Nền kinh tế của Ukraine bị trì trệ được cho là do các nhà tài phiệt tham lam và giới chính trị gia tham nhũng cản trợ quá trình cải cách. Tổng thống đương nhiệm Volodymyr Zelensky, một danh dài vốn đắc cử năm 2019 do nhiều cử tri Ukraine bất mãn với giới chính trị gia truyền thống, cũng không phải là một nhà cải cách thật sự. Trong bối cảnh niềm tin chính trị ở mức thấp, cuộc khủng hoảng an ninh với Nga đã khiến nền kinh tế Ukraine thêm lao đao.
ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)