11/10/2020 - 12:00

UAV trong tham vọng can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ 

Lượng máy bay không người lái (UAV) quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu ngày càng tăng, đối trọng với UAV của Trung Quốc, làm lung lay cán cân quyền lực quân sự ở khu vực Caucasus, Trung Đông và Bắc Phi.

Một chiếc UAV quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2019. Ảnh: Nikkei Asia Review

Kể từ cuối tháng 9, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan xôn xao trước các đoạn video cho thấy những chiếc UAV có vũ trang tấn công lực lượng Armenia đóng quân bên trong vùng Nagorno-Karabakh. “Nếu chúng tôi không sở hữu những UAV này thì Azerbaijan khó có thể phá hủy lực lượng quân sự đã được xây dựng trong 30 năm qua, gồm cả xe tăng và pháo binh” - Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói với Ðài TRT của Thổ Nhĩ Kỳ. Nagorno-Karabakh là vùng xung đột nước ngoài thứ 5 mà UAV của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai trong những năm gần đây, sau Syria, Libya, Bắc Iraq và Ðông Ðịa Trung Hải.

Các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vì thế cũng đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu UAV đáng chú ý, thách thức cả những nhà sản xuất UAV có tiếng của Trung Quốc, Israel và Mỹ. Năm 2018, Công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Defense bán UAV TB-2 cho Qatar và Ukraine. Selcuk Bayraktar, Giám đốc Công nghệ của Baykar Defense, hồi tháng 9 tiết lộ công ty này đã xuất khẩu UAV sang 4 nước nhưng không nói rõ là nước nào.

Tập đoàn công nghiệp hàng không và vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) cũng có được khách hàng cho riêng mình. Tờ Defense News hồi tháng 3 cho biết TAI đã được Chính phủ Tunisia đặt mua 6 UAV ANKA-S và 3 trạm điều khiển mặt đất với tổng trị giá 240 triệu USD. Ismail Demir, quan chức chính phủ theo dõi ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay các nhà sản xuất UAV nước này đang thảo luận với ít nhất 7 nước về xuất khẩu UAV.

►Châu Á là thị trường tiềm năng

Temel Kotil, Giám đốc điều hành TAI, nhấn mạnh công ty này đặc biệt xem Pakistan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines là những thị trường chiến lược. Theo nhà phân tích quốc phòng Arda Mevlutoglu, nhiều quốc gia châu Á có nhu cầu do thám, giám sát và thu thập thông tin tình báo cao, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại có liên hệ chặt chẽ về văn hóa, chính trị và quân sự với Pakistan, Indonesia và Malaysia. Mùa hè năm ngoái, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và thị sát Baykar Defense và TAI.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng UAV của Israel để chống lại lực lượng vũ trang người Kurd ly khai. Nhưng từ giữa những năm 2010, Ankara bắt đầu tự sản xuất UAV sau khi Mỹ từ chối bán loại khí tài quân sự này cho Thổ Nhĩ Kỳ. Những UAV mới do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được thử nghiệm trên thực địa ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq cũng như trong các nhiệm vụ trinh sát ở Ðông Ðịa Trung Hải. Chúng bắt đầu được công nhận sau khi lực lượng vũ trang nước này chia sẻ các đoạn video tấn công bằng UAV, gồm đoạn phim quay cảnh chiếc UAV TB-2 của Baykar Defense phá hủy một số hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir do Nga sản xuất ở Syria và Libya trong năm nay, nhờ đó chúng ngày càng được “chuộng” hơn.

Tại một hội nghị trực tuyến hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói rằng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm “thay đổi cuộc chơi” khi mà chúng trở thành đối thủ cạnh tranh chính của UAV Trung Quốc, vốn rất được nhiều nước Trung Ðông và Bắc Phi tin dùng. Song, ngành công nghiệp UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với nhiều thách thức mới khi Mỹ cũng trong tháng 7 quyết định nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với một số loại UAV quân sự.

Ngoài UAV, Thổ Nhĩ Kỳ còn xuất khẩu nhiều loại khí tài quân sự khác. Trong vòng 5 năm qua, nước này xuất nhiều tên lửa, xe bọc thép, pháo binh và tàu chiến sang Pakistan, Malaysia, Oman, Qatar và Azerbaijan. Theo tờ Daily Sabah, xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 tăng 36,4% so với năm 2018, đạt hơn 2,7 tỉ USD. Ðáng chú ý, Tập đoàn quốc phòng ASELSAN của nước này, với doanh thu 1,8 tỉ USD, xếp thứ 52 trong bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ Defense News Top.

TRÍ VĂN  (Theo Nikkei Asia Review, Trtworld)

Chia sẻ bài viết