21/07/2020 - 10:19

UAV “đắc dụng” trong tranh chấp Trung - Ấn 

Khi Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya, máy bay không người lái (UAV) đóng một vai trò ngày càng quan trọng.

UAV GJ-2 của Trung Quốc. Ảnh: airrecognition

Tuần rồi, Chính phủ Ấn Ðộ cho biết nước này dự định mua thêm UAV Heron từ Israel và cả Predator B của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng rộng rãi UAV trong cuộc xung đột nhiều tháng với quốc gia láng giềng dọc Ðường Kiểm soát Thực tế (LAC). Gần đây, Bắc Kinh cũng đã công bố những hình ảnh về hoạt động của quân đội Ấn Ðộ ở thung lũng Galwan - nơi xảy ra cuộc chạm trán chết người giữa binh sĩ hai nước hồi tháng rồi. Những hình ảnh này nhiều khả năng được chụp bằng UAV.

Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng của Israel (IAI) là nhà cung cấp UAV chính cho quân đội Ấn Ðộ. New Delhi đã mua các mẫu Heron và Searcher từ IAI để thực hiện nhiệm vụ trinh sát/tấn công, trong khi Harpy và Harop được sử dụng cho nhiệm vụ chống bức xạ. Trong đó, Heron là UAV tác chiến có khả năng bay ở độ cao trung bình và thời gian hoạt động lâu. Nó dài 8,5m, sức tải lên tới 250kg. Thiết bị này có vận tốc tối đa 200km/h, với thời gian vận hành lên tới 52 tiếng đồng hồ và trần bay 10.000m. Ấn Ðộ có khoảng 70 chiếc Heron. Trong khi đó, mẫu Searcher chỉ đạt độ cao tối đa 6.100m, tức phạm vi hoạt động bị hạn chế tại khu vực được mệnh danh là “Nóc nhà thế giới”. LAC kéo dài hàng ngàn kilômét dọc dãy núi cao nhất thế giới, với độ cao trung bình hơn 4.000m (một số đỉnh còn cao trên 8.000m) và đây là môi trường cực kỳ khắc nghiệt đối với các UAV.

Ngược lại, Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện sử dụng nhiều GJ-2. GJ-2 có chiều dài 11m, sức tải 480kg. Nó có thể mang tới 12 quả bom hoặc tên lửa, đạt vận tốc tối đa 380km/h, vận tốc hành trình 200km/h và trần bay là 9.000m. Nhờ vậy, mẫu UAV trinh sát/tấn công này lợi hại hơn so với Heron của Ấn Ðộ. Ngoài GJ-2, PLA cũng triển khai các mẫu UAV trinh sát/tấn công cỡ lớn như CH-4 và BZK-005C. Mẫu BZK-005C được thiết kế đặc biệt để hạ cánh ở những đường băng đất mềm và có sức tải 300kg. Bên cạnh đó, PLA còn sở hữu nhiều UAV để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Những hình ảnh được phát trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc từng có cảnh một đội trinh sát đang điều khiển nhóm máy bay có kích thước chỉ 20cm trong nhiệm vụ huấn luyện thâm nhập ban đêm, trong khi các lữ đoàn pháo binh thả các UAV hạng nhẹ để phát hiện mục tiêu cách xa hàng chục kilômét. PLA cũng sử dụng UAV để phân phát thực phẩm, thuốc men và đạn dược tới các vị trí mà phương tiện bình thường không thể tiếp cận.

Trong cuộc xung đột với Ấn Độ, Không quân Trung Quốc cũng lần đầu tiên triển khai “bệnh viện bay”. Cụ thể, máy bay y tế Y-9 cùng nhóm 5 nhân viên y tế đã được lệnh đưa một sĩ quan bị thương rất nặng từ một căn cứ ở Tây Tạng về bệnh viện thuộc thành phố Tây An, với tổng khoảng cách di chuyển là 5.200km. Bệnh viện bay này có thể điều trị cho hơn 30 người bị thương cùng một lúc. Y-9 được cho là một phần trong nỗ lực của PLA nhằm nâng cao hỗ trợ y tế cho binh sĩ làm nhiệm vụ ở các dãy núi cao, đặc biệt tại vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết