Tây Ban Nha có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần sau khi chính phủ nước này đồng ý khởi động dự án thí điểm ở quy mô vừa phải cho các công ty quan tâm. Tuy nhiên, mô hình làm việc này tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng ẩn chứa những tác hại.

Công ty hàng tiêu dùng Unilever đang thử nghiệm cho nhân viên tại New Zealand làm việc 4 ngày/tuần. Ảnh: CNN
Đảng cánh tả Más País của Tây Ban Nha thông báo chính phủ đã chấp nhận đề xuất của họ về thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc 4 ngày. “Tây Ban Nha là một trong những quốc gia mà người lao động làm việc nhiều giờ hơn mức trung bình của châu Âu. Nhưng chúng ta không nằm trong số những nước làm việc hiệu quả nhất. Tôi cho rằng làm việc nhiều giờ hơn không đồng nghĩa làm việc tốt hơn” - Iñigo Errejón, Chủ tịch đảng Más País viết trên Twitter cuối tuần qua. Đảng Más País đề xuất dự án kéo dài 3 năm, trị giá 60 triệu USD, để các công ty tham gia thử nghiệm giảm giờ làm với rủi ro tối thiểu. Chương trình thử nghiệm có thể sẽ bắt đầu sớm nhất vào mùa thu này. Năm 1919, một cuộc đình công kéo dài 44 ngày tại Barcelona đã đưa Tây Ban Nha trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở Tây Âu áp dụng chính sách ngày làm việc 8 giờ.
Thật ra, các tập đoàn lớn của Mỹ như Microsoft hay Shake Shack cũng từng thực thi dự án tuần làm việc 4 ngày, nhưng chương trình của Tây Ban Nha có quy mô lớn hơn. Đảng Más País ước tính ngân sách kể trên đủ để cho phép khoảng 200 công ty tham gia, tương đương 3.000-6.000 nhân viên sẽ có 3 ngày nghỉ cuối tuần. Giới lãnh đạo doanh nghiệp lâu nay thiếu mặn mà về việc giảm giờ làm mà không giảm lương, nhưng đề xuất ở Tây Ban Nha phần nào tháo gỡ được khó khăn này.
Lợi, hại của làm việc 4 ngày/tuần
Từ New Zealand đến Đức, làm việc 4 ngày/tuần đang ngày càng phổ biến. Ý tưởng này được ca ngợi như giải pháp để tăng năng suất, cải thiện sức khỏe tinh thần của người lao động và chống biến đổi khí hậu. Đề xuất cũng mang một ý nghĩa mới khi đại dịch COVID-19 tô đậm nhiều vấn đề, trong đó có cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thực tế, điều mà đảng Más País kỳ vọng là giảm giờ làm việc xuống 4 ngày/tuần sẽ đạt được những hiệu quả như Software Delsol từng gặt hái. Năm ngoái, Software Delsol đã trở thành công ty đầu tiên tại xứ bò tót triển khai làm việc 32 giờ/tuần. Kết quả cho thấy tình trạng nhân viên vắng mặt hàng loạt giảm bớt, trong khi năng suất tăng lên và người lao động cũng hạnh phúc hơn. Năm 2019, chi nhánh Microsoft tại Nhật Bản cũng tiến hành thử nghiệm đóng cửa văn phòng vào thứ Sáu trong tháng 8, cho phép tất cả nhân viên nghỉ thêm 1 ngày mỗi tuần. Kết quả là năng suất của nhân viên tăng 40% so với cùng thời điểm năm trước dù thời gian làm việc trong tuần giảm.
Những người ủng hộ đề xuất còn lập luận rằng làm việc ít giờ hơn có thể giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp, vấn đề gây đau đầu cho rất nhiều quốc gia thời đại dịch COVID-19. Chẳng hạn như năm ngoái, IG Metall - Liên minh công nghiệp kim loại Đức - lên tiếng kêu gọi thực hiện tuần làm việc 4 ngày để cứu hàng ngàn việc làm có thể bị mất do tác động tiêu cực của đại dịch. Theo dữ liệu công bố tháng 12-2020, làm việc 4 ngày/tuần có thể tiêu tốn 1,9-2,7 tỉ USD mỗi năm nhưng tạo ra 45.000-59.000 việc làm mới trong lĩnh vực công của Scotland.
Không ít thử nghiệm còn chỉ ra tuần làm việc 4 ngày mang lại nhiều lợi ích như giảm sử dụng phương tiện giao thông, giảm ô nhiễm... Nghiên cứu của Đại học Kinh doanh Henley từng ước tính mô hình làm việc 4 ngày sẽ khiến người dân Anh lái xe ít đi 900 triệu km/tuần, qua đó sẽ giảm lượng khí thải từ giao thông. Nhiều tài liệu khác chứng minh thời gian làm việc càng ngắn thì càng tốt cho môi trường. Chẳng hạn, việc sử dụng máy tính giảm đồng nghĩa với giảm năng lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp. Trong cuộc thử nghiệm năm 2019 của Microsoft Nhật Bản, trong một tuần làm việc 4 ngày, công ty đã giảm được 1/4 tiền điện. Những người nghỉ thứ Sáu cũng in ít hơn 60% giấy. Ở Mỹ, có những ý kiến nói áp dụng thời gian làm việc ngắn hơn có thể cắt giảm 7% lượng khí thải carbon.
Ngoài những tác động tức thời có thể đo lường được như trên, làm việc 4 ngày một tuần cũng phá vỡ chu kỳ “làm việc - chi tiêu”. Minh chứng là ở Pháp. Khi nước này áp dụng làm việc ít hơn 35 giờ một tuần từ năm 2000, mọi người đã dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động ít tác động tới môi trường hơn. Họ ít mua sắm hơn, dành thời gian cho gia đình hoặc tận hưởng không gian ngoài trời. Bên cạnh những lợi ích xanh, tuần làm việc 4 ngày cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, Liên đoàn Công nghiệp Anh cảnh báo rằng tuần làm việc 4 ngày có thể đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ. Đối với những người thường làm việc quá sức, gánh nặng “nén công việc” từ 5 thành 4 ngày/tuần dễ khiến họ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)