09/07/2024 - 08:21

Từ xóm Cù Là của Tư Lúa Mùa 

"Về hưu lại thấy có quá nhiều việc phải làm", Tư Lúa Mùa. Ảnh: Ch.L

 

Tư Lúa Mùa (Lê Quốc Việt) đã bán 2 miếng ruộng, lấy tiền đầu tư vào khu bảo tồn lúa mùa này. Thấu hiểu tình cảnh nhà nông phải bán đất mới có thể nhận ra trắc ẩn trong nụ cười hiền, nước da rám nắng tương phản chòm râu bạc và cách nói dè dặt "vui nửa mùa" của "kẻ ngược dòng" này.

"Ngược dòng"

"Hồi đó, người ta nói tui khùng vì đâu đâu cũng trồng lúa ngắn ngày (Thần nông), ổng lại trồng lúa mùa. Chim chuột nó phá riết cũng mạt", Tư Lúa Mùa tự xây dựng nông trại ở xóm Cù Là, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và tự hiểu chung quanh là lúa cao sản ngắn ngày, lúa mùa dài ngày trở thành nguồn thực phẩm "bất chiến tự nhiên thành" của chuột đồng. Nhưng dù sao thì những cảnh báo ấy không sai vì đó là lời bàn của những người từng trồng lúa mùa, dày dặn kinh nghiệm hơn ông nhiều. Thực tế, năng suất lúa mùa 3,5 tấn/ha xưa nay hiếm, nhưng có năm làm 2ha mà chỉ gom về được 100 giạ lúa (2 tấn lúa). Thách thức lớn nhất vẫn là chim chuột ngoài đồng và "điểm hòa vốn" vẫn là chuyện bất khả thi.

Tư Lúa Mùa tự an ủi, chia một phần thức ăn cho chuột, nhưng dậm cù là có chuột đồng lúa mùa béo tròn béo trục quay lu, có cá lóc nướng trui, có ốc hấp sả chanh, có món cá trê nướng chấm nước mắm gừng… và một hệ sinh thái lúa mùa có thể kết nối văn hóa bản địa - đánh thức di sản đang ngủ yên trong cái xóm Cù Là này. "Tôi may mắn được sống giữa 2 nền nông nghiệp cổ truyền và hiện đại", Tư Lúa Mùa, cựu sinh viên cao học - Ðại học Cần Thơ, nhớ lần trở lại ngân hàng lúa giống của trường để xin hạt giống lúa mùa. Ngân hàng giống duy nhất từng tồn tại ở Việt Nam do thầy trò Giáo sư Võ Tòng Xuân dày công sưu tập. Mỗi giống xin được 100 hột là nhiều lắm rồi. Tự ông lo cấy hái, nâng diện tích phục tráng.

Ba chục giống lúa mùa đã thức dậy, giống Ba Bụi, Chim Rơi, Móng Chim, Tàu Hương… Ðặc tính cơ bản của lúa mùa là dài ngày, gieo tháng 4 mà đầu tháng giêng năm sau mới gặt nên không thể nhanh hơn được. Sau Tàu Hương là nhóm "nàng" (Neang): Neang Nhen, Nàng Thơm Chợ Ðào hoặc trắng tép (trắng) thay cho trắng tép vàng. Làm ruộng không cần hóa chất, không thuốc trừ sâu, không xông trùng, không sử dụng chất bảo quản… Hiện nay, quy trình sản xuất của Tư Lúa Mùa được chứng nhận hữu cơ của Tổ chức đánh giá chứng nhận quốc tế Control Union. Mùa lúa chín, đồng khô, nước rọt… có biết bao nhiêu nguồn lợi tự nhiên trên ruộng lúa tự nó trôi tuột vô ao, đìa.

Tri thức bản địa

Làm lúa mùa là tự mình nối mối dây liên hệ với tự nhiên, để nhận diện thời tiết qua những cơn gió, đám mây, hiểu đời sống quang cảm của cây lúa; ngày dài thì lúa thế nào, tháng gió bấc ngày ngắn, lúa trổ ra sao. Càng nắng thì gạo có mùi thơm nhẹ. Khi xay gạo chừa lớp cám mỏng để giữ được nhiều dinh dưỡng và các vitamin, bảo vệ chất tinh túy của trời đất trong từng hạt gạo.

Lúa mùa có nhiều bất ngờ, không phải ai cũng hiểu được. "Bà ngoại tui sinh năm 1907, tới già nước da vẫn trắng đẹp. Bà dặn mỗi lần nấu cơm, lấy nước vo gạo rửa mặt. Nấu cơm bếp củi, chắt lấy nước cơm - bỏ chút muối, thích ngọt thì chút đường - uống nước cơm lúa mùa cũng lớn lên được. Ký ức thần tiên về lúa mùa, giống lúa Châu Hồng Võ (Châu Hạng Võ), khi thấm nước mới ửng hồng lên, là do lớp cám bên trong, ửng hồng từ bên trong ra, khi xay có màu nho. Chà hết lớp cám hạt gạo hơi vàng vì chứa nhiều Beta carotene - tiền sinh tố A, hơn các giống khác. Hồi xưa chỉ cần cơm nguội lúa mùa chan nước mắm đồng, rưới tóp mỡ hành - chan nước mắm chanh ớt, thường thường bậc trung thì xé mắm sặc… bao nhiêu cơm cũng hết. Mưa sa, đồng nổi nước nghe ếch nhái, ảnh ương… hợp xướng là có thể nhìn thấy nhịp sống từ việc chuẩn bị cày bừa, gieo mạ, cày, phát - chế cỏ, trục đất, lo nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ tới gặt đập, chuyển lúa về ví bồ… mọi việc được tính toán dựa vào tiết trời. Bây giờ, gạo cứng cơm bị chê, đơn giản vì người đời chỉ nghĩ đã là gạo thì phải nấu cơm. Ngày xưa không nghĩ vậy, gạo cứng cơm làm bột, từ xa xưa gạo cứng cơm là loại nguyên liệu truyền cảm hứng để hàng trăm loại bánh ra đời ở châu thổ. Ðó là mạch văn hóa lưu thông trong nền văn minh lúa nước và nhịp sống nông nhàn.

Gạo lúa mùa Ba Bụi, gạo Huyết Rồng, Chim Rơi, Trắng Tép và còn nhiều sản phẩm khác… được chào bán, đóng gói trang nhã. Cơm tấm lúa mùa Tư Việt với sườn ướp Mắm Sà Rinh (Duyên Hải, Trà Vinh) ở nhà hàng ẩm thực Ven Sông, lần đầu xuất hiện ở TP Cần Thơ đã cuốn hút thực khách. Những Master Chef bắt đầu vào cuộc để phục hưng giá trị món ngon từ lúa mùa. "Ðời sống lúa mùa ở quê tôi"; tác giả Lê Quốc Việt - chính là Tư Lúa Mùa - nói rằng tới lúc về hưu, càng có nhiều việc phải làm hơn.

Ðóng góp thầm lặng

"Mục tiêu của tôi là phục hồi nhiều loại giống, sau đó lựa ra giống đặc biệt để thế giới bất ngờ khi có quá nhiều điều họ chưa biết tới xứ mình", Tư Lúa Mùa nói… RumDoul, Hom Mali, Khaw Dak Mali, Basmati - gạo ngon danh tiếng Campuchia, Thái Lan, Ấn Ðộ, chẳng phải từ lúa mùa đó sao? Chẳng phải IRRI đang lưu giữ trên 120.000 mẫu giống lúa, nhiều giống lúa bản địa từ các nước được sử dụng như vật liệu di truyền dẫn dắt các cuộc nghiên cứu giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu chẳng phải có đóng góp từ lúa mùa?

Kẻ ngược dòng đã đúng hướng và có vẻ như đang dẫn dắt cuộc chơi mới gắn với nền kinh tế xanh. So với năm 2016, lúc trang trại vừa hình thành ở xóm Cù Là, Tư Lúa Mùa phải thuê thêm 4ha, mỗi héc-ta 20 triệu đồng một năm để mở rộng diện tích. Hiện nay, chòm xóm tự nguyện tham gia HTX Nông dân sáng tạo do ông làm giám đốc. Hệ sinh thái lúa mùa đang vận hành trên đất lúa - tôm, quy mô 12ha, sẽ lan rộng tới 35-40ha.

Ký ức sâu thẳm và cốt cách nhà nông tự gồng gánh - cuối cùng cũng nhận được lòng tin từ Viện Nghiên cứu phát triển ÐBSCL (MDI). Những giống lúa được Tư Lúa Mùa phục tráng từ trang trại, đang được kiểm định và hoàn tất thủ tục để gởi hạt giống bảo tồn tới Svalbard Global Seed Vault - ngân hàng giống của nhân loại. Svalbard Global Seed Vault được thành lập năm 2008, khu bảo quản hạt giống trong một ngọn núi ở Spitsbergen, Na Uy, đang bảo quản hơn 1,2 triệu mẫu hạt giống từ 111 ngân hàng hạt giống ở 77 quốc gia đề phòng các mối đe dọa do chiến tranh, thiên tai…

Trang trại lúa mùa Tư Việt, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống này. Ý tưởng bảo tồn văn hóa lúa mùa đã được nâng cấp với sự hỗ trợ của MDI, nơi trực tiếp quản lý ngân hàng lưu giữ hơn 8.000 mẫu giống lúa mùa bản địa tại Ðại học Cần Thơ. Cuộc chiến Syria tàn phá Ngân hàng giống ở thành phố Aleppo, nơi chứa khoảng 150.000 mẫu hạt giống lưu truyền từ thời cổ đại tới khi con người biết trồng trọt ở Trung Ðông. Từ Svalbard Global Seed Vault, mẫu hạt giống đã được gởi nơi lưu trữ hạt giống toàn cầu về Syria giúp khôi phục nguồn lương thực.

Có quá nhiều điều bất ngờ trong khu bảo tồn - phục tráng lúa mùa ở xóm Cù Là. Ảnh: Ðỗ Khuê

 

Ðáp lễ

Trong quá khứ, Việt Nam từng được hỗ trợ hạt giống để vượt qua nguy cơ khủng hoảng lương thực. Giáo sư Gurdev Singh Khush (gắn bó với IRRI suốt 35 năm), người đưa một loại gene kháng rầy nâu vào giống IR36, nhắc lại câu chuyện 5kg giống IR36 gởi qua đường bưu điện cho Giáo sư Võ Tòng Xuân khi nạn cháy rầy lan rộng ở ÐBSCL. Ðại học Cần Thơ đóng cửa trường, tất cả sinh viên xuống đồng, cùng dẫn dắt nông dân căng dây cấy lúa một tép, cấy hai lần để nhân giống. Sau IR36 là IR64... kháng rầy và gạo ngon cơm hơn. Dần dà, giống lúa này trở thành một trong những giống chủ lực ở ÐBSCL và nhiều quốc gia khác.

Giờ đây, Tư Lúa Mùa đã âm thầm đáp lễ khi vận hành dự án bảo tồn lúa mùa, cung cấp nguồn gene giống lúa bản địa của Việt Nam vào ngân hàng giống lúa của nhân loại. Tư Lúa Mùa tự tổ chức trang trại, thuyết phục cộng đồng thực hành quy trình trồng lúa mùa hữu cơ, tự sưu tập các nông cụ sản xuất, tập tục, lễ nghi từ thời khẩn hoang… Nhóm văn hóa dân gian ở Cù Là sẵn lòng ráp chương trình du lịch di sản với di tích ngôi chùa 300 năm tuổi cùng nhiều sinh hoạt độc đáo của cộng đồng Khmer, vườn khóm Tắc Cậu, vùng khóm - cau - dừa 3 tầng sinh thái… vào ý tưởng Homestay. Du khách ghé thăm, nghỉ lại trải nghiệm không gian sống nông thôn ngày mùa, câu cá, nấu cơm, xay lúa, giã gạo, đêm nghe nhã nhạc dân tộc, 1 gói dịch vụ 2 ngày, 1 đêm - lẽ nào không nuôi sống hoạt động bảo tồn, phục tráng giống lúa mùa bản địa và cải thiện sinh kế của Cù Là.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết