Một cuộc tranh giành ảnh hưởng chưa có tiền lệ đang xảy ra giữa hai nhân vật quyền lực nhất Iran. Báo chí nước này cho biết cuối tuần rồi lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã ra tối hậu thư cho Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad rằng ông này hoặc phục chức cho Bộ trưởng Tình báo Heydar Moslehi hoặc phải ra đi.
Căng thẳng bắt đầu cách đây hơn hai tuần khi tổng thống Iran quyết định sa thải bộ trưởng Moslehi, một thân tín của ông Khamenei. Lập tức lãnh tụ tối cao ra lệnh cho ông Moslehi tiếp tục tại nhiệm. Phản ứng lại, ông Ahmadinejad “bãi công” 11 ngày và bỏ 2 cuộc họp nội các. Khi quay trở lại làm việc, ông này đã cấm bộ trưởng Moslehi bước chân vào phòng họp. Chưa hết, ông còn không đến nhà lãnh tụ tối cao dự lễ cầu nguyện hồi tuần rồi như qui định. Cuối năm ngoái, ông Ahmadinejad từng sa thải một đồng minh khác của ông Khamenei là Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki khi ông này đang đi công cán ở Senegal, nhưng vụ đó đã được cho qua.
Đáp lại tối hậu thư của lãnh tụ tối cao, Tổng thống Ahmadinejad nói rằng là người đứng đầu chính phủ, ông có đặc quyền bổ nhiệm và sa thải các bộ trưởng. Điều đó không sai nhưng chưa hẳn đúng với trường hợp nước Cộng hòa Hồi giáo này. Bản thân danh xưng lãnh tụ tối cao đã nói lên phạm vi quyền lực, dù là bất thành văn, của ông Khamenei. Những người ủng hộ ông Khamenei thậm chí còn cho rằng ai không nghe lời ông bị xem như mắc tội bội giáo. Nói như Farideh Farhi, một chuyên gia về Iran ở Đại học Hawaii (Mỹ): “Nếu anh mất sự ủng hộ của Khamenei, anh không là ai cả”. Tính tới cuối tuần rồi đã có 90 nghị sĩ ký tên ủng hộ việc chất vấn ông Ahmadinejad về việc “bất tuân thượng lệnh”. Theo luật pháp Iran, cần ít nhất 175 chữ ký để có thể tiến hành luận tội tổng thống.
Ông Ahmadinejad trở thành đối tác trong liên minh quyền lực với lãnh tụ tối cao Khamenei từ khi đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu vào năm 2005. Chính ông Khamenei đã giúp ông Ahmadinejad tiếp tục ngồi chiếc ghế đó sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm 2009. Thế nhưng giờ đây họ lại đối đầu nhau. Lý do của sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai người được cho là do ông Ahmadinejad có ý muốn làm giảm sự tham gia của giới giáo sĩ vào công việc chính quyền, trong khi Đại giáo chủ Khamenei luôn tự hào rằng mình có thể can thiệp vào việc điều hành đất nước ở mọi cấp độ. Ngoài ra, theo giới quan sát, mâu thuẫn đó càng trầm trọng thêm một phần do tham vọng quyền lực của ông Ahmadinejad. Ông này có kế hoạch đưa con rể vô ghế tổng thống vào năm 2013 và ông sẽ quay lại vị trí đó sau một nhiệm kỳ. Hiện lực lượng ủng hộ ông Khamenei đang tìm cách ngăn cản không cho phe ông Ahmadinejad chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 3-2012 và cuộc bầu cử tổng thống một năm sau đó.
LÊ DÂN