24/07/2017 - 16:33

Trưởng thành sau những ngày xa nhà…

TTH - Hằng năm, Chương trình Học kỳ Quân đội do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích cho các em ở độ tuổi thiếu niên với trải nghiệm những ngày xa nhà. Chuyến đi đã giúp các em được trang bị những kỹ năng sống cơ bản và thấu hiểu hơn về những giá trị của gia đình.

Những ngày sống xa nhà đã giúp các chiến sĩ “nhí” thêm quý trọng tình cảm gia đình, có nhiều kỹ năng sống tự lập.

Rèn luyện trong môi trường Quân đội

Gần kết thúc chương trình, ban tổ chức đã cho các chiến sĩ nhí một trải nghiệm thú vị là tham quan một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thành phố. Lần đầu bước vào doanh trại Quân đội, nhiều học viên bỡ ngỡ, tò mò khi nhìn thấy những chiếc tăng thiết giáp cao to sừng sững, đậu thẳng tắp, uy nghiêm. Được ngồi trên xe tham quan một vòng Trung đoàn bộ binh 932, em nào cũng thích thú. Ở Đại đội Trinh sát, học viên được xem các chiến sĩ biểu diễn võ thuật, kỹ thuật vượt chướng ngại vật, kỹ thuật hóa trang  trong thực hiện nhiệm vụ… Em Thân Giáp Tá (13 tuổi, ở quận Bình Thủy) chia sẻ: “Những ngày qua, em rất ấn tượng với bài học võ thể dục, tháo lắp súng… Cha em là bộ đội nên chương trình đã giúp em hiểu hơn về công việc của cha và các chú ở các đơn vị. Em ước mơ sau này trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Hằng ngày, 5 giờ 30 phút là các học viên phải thức dậy tập thể dục. Lúc đầu, nhiều em chưa quen, gật gù vì buồn ngủ nhưng sau đó thì em nào cũng hào hứng mỗi khi nghe tiếng loa báo thức. Theo em Nguyễn Khả Duy (13 tuổi, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), những bài học ở lớp Học kỳ Quân đội đã tập cho em tính ngăn nắp, chỉn chu và nền nếp hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Duy còn ấn tượng sâu sắc về sự hy sinh của cha anh thông qua những bài học về lịch sử, truyền thống Quân đội, việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khả Duy cho biết: “Qua mỗi bài học mà các anh chị hướng dẫn đã giúp em thêm tự tin, bổ sung kiến thức cần thiết cho em về kỹ năng sống. Đó là cách cư xử với bạn bè, sự đồng cảm với những người khó khăn và các kỹ năng cơ bản để đối mặt với những khó khăn”.

Thổn thức về gia đình

Lần thứ hai tham gia chương trình Học kỳ Quân đội nhưng em Nguyễn Minh Đức (14 tuổi, ở thành phố Cà Mau) vẫn có nhiều cảm xúc khi cùng sống và sinh hoạt với các bạn mới. Những ngày xa nhà, Đức đã chiêm nghiệm về tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, những nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của cha mẹ… “Có lần em nói dối mẹ vì làm bài kiểm tra chỉ có 7 điểm. Khi biết chuyện, mẹ đã khóc rất nhiều vì em không trung thực. Mấy ngày ở đây, em đã suy nghĩ nhiều về những việc làm chưa đúng của mình đối với gia đình” – Đức chia sẻ. Gia đình làm kinh doanh nên đôi khi Đức còn tiêu xài hoang phí. Khi đến thăm những người già và trẻ mồ côi, Đức ý thức được cần phải học tính tiết kiệm bởi cuộc sống còn có những cảnh đời rất khó khăn. Và khi xa gia đình, Đức càng thấm thía những bài học cha mẹ dạy về sự tiết kiệm, về tình đoàn kết và tình cảm dành cho những người khó khăn hơn mình...

Trong “Đêm tĩnh tâm nghĩ về gia đình”, khi diễn giả nói “…Cha mẹ rồi sẽ già vì tuổi tác. Và sẽ rời xa chúng ta…”, em V. (12 tuổi, nhà ở quận Cái Răng) không cầm được nước mắt. V. thấy nhớ những ngày sống trong vòng tay chở che của mẹ, nhớ vì đã lâu rồi V. không gặp cha… “Cha em cũng sống ở thành phố này. Nhưng từ khi cha và mẹ ly hôn thì mẹ không cho em gặp cha nữa. Em rất muốn gặp cha nhưng nghĩ đến những nỗi buồn của mẹ thì em phải dằn nỗi nhớ xuống” – V. trải lòng. Do đặc thù công việc nên mẹ V. đi công tác suốt, có lúc vài ngày, cũng có khi cả nửa tháng mới về. Những ngày mẹ đi công tác, V. sang ở với bà ngoại hoặc dì. Khi mẹ ở nhà, V. không phải làm gì vì đã có mẹ lo. Những ngày xa mẹ, V. lại có những cảm xúc khác hơn những ngày mẹ đi công tác. V. biết rằng một cuộc sống tự lập khác với việc đi từ nhà mình sang nhà dì hoặc ngoại. “Ở đây, em sống tự lập nên thấy thương mẹ nhiều hơn. Vì mẹ rất vất vả để nuôi em và chị Hai. Mẹ nhận hết những khó nhọc nhưng có điều gì buồn mẹ cũng không nói ra. Chuyến này về nhà em sẽ giúp đỡ mẹ việc nhà nhiều hơn” – V. chia sẻ.

Chị Chu Thị Phương Thanh, Phó trưởng Ban Công tác thiếu nhi Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: các hoạt động của chương trình xuyên suốt hai nội dung chủ đạo là trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản và những khoảnh khắc nhìn nhận giá trị của gia đình. Những bức thư của các em gởi về gia đình trong những ngày sống xa nhà đều chan chứa tình cảm yêu thương cha mẹ, sự hối hận về những lỗi lầm, mong muốn được giúp đỡ mọi người… Qua đó, tạo được sự phản hồi tích cực từ các phụ huynh.  “Các bạn không chỉ có cảm xúc nhớ nhung khi sống xa gia đình mà còn là mong muốn thay đổi bản thân để tốt hơn, ngoan hơn. Đó là những tiền đề để khi trở về nhà các em sẽ có những hành động ý nghĩa đối với ông bà, cha mẹ và xa hơn là phấn đấu trở thành một người có ích cho xã hội” – chị Thanh chia sẻ.l

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết