|
Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh- “bước ngoặt thành tựu” của Trung Quốc trong chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự. Ảnh: AP/Xinhua |
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển, Trung Quốc đã soán ngôi của Anh để trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên nước này lọt vào tốp 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Báo cáo cho biết, số lượng vũ khí xuất khẩu giai đoạn 2008-2012 của Trung Quốc đã tăng 162% so với thời điểm cách đây 5 năm, giúp thị phần giao dịch buôn bán vũ khí toàn cầu của nước này tăng từ 2% lên 5%. Trong đó, thị trường Pakistan đóng vai trò chủ lực với 55% và có thể tiếp tục là khách hàng lớn của Bắc Kinh trong những năm tiếp theo với các kế hoạch mua máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tàu khu trục nhỏ đã đặt hàng trước đó. “Trung Quốc đang thiết lập vị thế một nhà cung cấp vũ khí trọng yếu đối với số lượng ngày một tăng của các quốc gia quan trọng”- Giám đốc Chương trình Chuyển giao Vũ khí SIPRI Paul Holtom nhận xét. Cũng theo số liệu từ SIPRI, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với 30% thị phần, tiếp theo là Nga 20% cùng Đức và Pháp lần lượt xếp vị trí thứ ba và thứ tư trong danh sách.
Kể từ sự kiện Thiên An Môn hồi năm 1989, Trung Quốc đã bị các nước phương Tây áp đặt lệnh cấm vận vũ khí. Do đó, ngành công nghiệp chế tạo thiết bị quân sự đóng vai trò quan trọng để giúp Bắc Kinh giành vị thế trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt khi mâu thuẫn với các nước láng giềng Đông Nam Á và Nhật Bản đang diễn biến ngày một phức tạp, trong khi chiến lược quân sự của Mỹ đang xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương. Dù thông tin chính xác về hiệu suất của các loại vũ khí “Made in China” là vô cùng khan hiếm, nhưng các chuyên gia nhận định một số trang thiết bị vũ khí hiện tại của Trung Quốc có thể so sánh với những sản phẩm của Nga hay phương Tây sau nhiều thập kỷ nước này chi mạnh cho ngân sách quốc phòng và ồ ạt đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất khí tài trong nước. Chính vì lẽ đó, số lượng nhập khẩu vũ khí của Bắc Kinh trong giai đoạn 2008-2012 đã giảm 47% so với giai đoạn 5 năm trước.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vũ khí, các nhà đàm phán tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần này để cố gắng đạt được thỏa thuận về Hiệp ước buôn bán vũ khí (ATT). Đây được coi là cơ hội cuối cùng để LHQ điều chỉnh ngành công nghiệp mua bán vũ khí thông thường toàn cầu trị giá khoảng 70 tỉ USD. Theo dự thảo mới nhất, mục đích chính của hiệp ước là “cần thiết để ngăn ngừa, phòng chống và loại trừ buôn bán vũ khí thông thường bất hợp pháp, đồng thời ngăn cản sự chuyển hướng của dòng chảy vũ khí vào thị trường phi pháp và tình trạng sử dụng vũ khí trái phép”. “Tôi tin tưởng các quốc gia thành viên sẽ vượt qua bất đồng và thống nhất những quan điểm chính trị để đi đến thỏa thuận về bản hiệp ước có tính chất bước ngoặt này”- Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói.
Hôm 15-3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ khi các cuộc đàm phán được nối lại và tuyên bố Mỹ sẽ đề ra phương thức tiếp cận thận trọng. Song, ông Kerry cũng thể hiện rõ quan điểm rằng “Washington không hỗ trợ bất kỳ hiệp ước nào trái với luật pháp và quyền lợi của công dân Mỹ dựa trên Hiến pháp”. Đồng thời, vị chính trị gia này cũng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không cho phép bản hiệp ước ảnh hưởng đến các quyền sở hữu súng ở nước này.
VI VI (Theo Reuters, New York Times)