30/11/2022 - 23:29

Trung Quốc tăng tốc mở rộng năng lực hạt nhân 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Bloomberg)

Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến và có thể vượt 1.500 đầu đạn vào năm 2035 - theo báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 do Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm mới của Trung Quốc có thể vươn tới nước Mỹ. Ảnh: Getty Images

Năm 2020, Mỹ ước tính Trung Quốc chỉ có hơn 200 đầu đạn hạt nhân và dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập niên. Nhưng chỉ mới 2 năm trôi qua, kho đầu đạn hạt nhân của nước này đã đạt mốc 400, dự kiến sẽ tăng lên 700 vào năm 2027 và đạt 1.500 vào năm 2035. Mặc dù rất khó để so sánh trực tiếp, nhưng với tốc độ phát triển nhanh hơn dự kiến như vậy, năng lực hạt nhân của Trung Quốc có thể tiệm cận số lượng đầu đạn được triển khai của Mỹ vào những năm 2030. Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) ký với Nga, Mỹ được phép trang bị 1.550 đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng.

Nhà Trắng đã nhiều lần giục Trung Quốc tham gia đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ðáp lại, Bắc Kinh một mực từ chối khi nói rằng họ vẫn đứng sau Mỹ và Nga về năng lực hạt nhân. Theo một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ, Trung Quốc vẫn đang đi đúng quỹ đạo mà nước này mong muốn. Nếu Bắc Kinh không thay đổi quan điểm, quan chức trên cho rằng điều đó đặt ra nghi vấn về ý định của cường quốc châu Á trong bối cảnh họ đang chế tạo vũ khí hạt nhân có tầm bắn tới Mỹ. Khoảng cách năng lực hạt nhân giữa hai nước ngày càng thu hẹp đồng nghĩa Mỹ có nguy cơ cao bị trả đũa, một khi Washington sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó Trung Quốc nhằm bảo vệ các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo cho biết Lầu Năm Góc đặc biệt quan ngại bộ 3 vũ khí hạt nhân có thể được Trung Quốc phóng từ mặt đất, trên không và trên biển. Tài liệu cân nhắc tiềm lực không quân Trung Quốc có thể nhanh chóng bắt kịp phương Tây. Năng lực chiến đấu trong không gian với các trang thiết bị như vũ khí laser trên mặt đất, robot quay quanh quỹ đạo để theo dõi các vật thể khác cũng đặt ra mối đe dọa cho các lực lượng Mỹ và đồng minh.

Ngoài thông tin về năng lực hạt nhân của Trung Quốc, báo cáo thường niên dài 196 trang của Bộ Quốc phòng Mỹ còn trình bày chi tiết các chiến lược và mục tiêu kinh tế, quân sự, năng lượng của Trung Quốc. Theo báo cáo, nhiệm vụ tổng thể cường quốc châu Á hướng tới là “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” vào năm 2049. Với mục tiêu này, Lầu Năm Góc tin rằng Bắc Kinh đang coi Mỹ là “chướng ngại vật” và một “đối thủ” đang dốc toàn lực ngăn chặn sự trỗi dậy của họ.

Tham vọng quân sự toàn cầu của Trung Quốc được cảnh báo sẽ cản trở các hoạt động quân sự Mỹ, đặc biệt khi Bắc Kinh tăng cường mở rộng cơ sở hậu cần nhằm hỗ trợ các hoạt động từ xa đang gia tăng. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thể đã đưa các cơ sở ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kenya, Guinea Xích đạo, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan vào danh sách cân nhắc. Họ cũng đang tìm cách thu hút nhân tài nước ngoài để tăng cường khả năng quốc phòng, bao gồm tuyển dụng cựu sĩ quan Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Bên cạnh đánh giá tiềm lực quân sự Trung Quốc, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đồng thời dự đoán khủng hoảng tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan. Theo đó, Washington nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng áp lực lên Đài Bắc bằng các hành động gây hấn và cách tiếp cận không an toàn, phát đi thông điệp về trạng thái “bình thường mới” được thiết lập kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo này hồi tháng 8.

Chia sẻ bài viết