05/10/2017 - 11:00

Trung Quốc tăng cường đào tạo chiến binh mạng 

Trung Quốc coi an ninh mạng và an ninh quốc gia có tầm quan trọng ngang nhau nên không ngừng tăng cường sức mạnh an ninh mạng.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford cảnh báo Trung Quốc sẽ là thách thức lớn nhất đối với Washington trong 10 năm tới trong bối cảnh Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng sự thống trị trong lĩnh vực không gian mạng.

Một số thành viên lực lượng an ninh mạng của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4-2016 tại một hội nghị chuyên đề về an ninh mạng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, cả về tài chính và chính sách, nhằm nâng cao năng lực an ninh mạng của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng nhận dạng, chiêu mộ và huấn luyện các cá nhân tài năng.

Theo báo cáo có tên “An ninh Internet: Nửa đầu năm 2017” của Tencent - công ty trò chơi điện tử và truyền thông xã hội thành công nhất của Trung Quốc, nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chuyên gia an ninh mạng. Trong những năm qua, các trường đại học Trung Quốc chỉ cung cấp khoảng 30.000 cử nhân an ninh mạng trong khi nhu cầu hiện tại vào khoảng 700.000 người và dự kiến sẽ lên tới 1,4 triệu người vào năm 2020.

Trước tình hình trên, Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra một kế hoạch mà theo đó trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ thành lập 4-6 trường an ninh mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả nguồn lực, từ giáo viên giảng dạy đến cơ sở hạ tầng, đều sẽ chỉ dành riêng cho việc bồi dưỡng các chiến binh mạng. Giữa tháng 9 vừa qua, đợt thí điểm đầu tiên của kế hoạch đã được thông qua, các đại học xin tham gia thành lập trường an ninh mạng gồm Đại học Tây An, Đại học Đông Nam, Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Vũ Hán, Đại học Tứ Xuyên, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đại học Kỹ thuật Thông tin Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành khóa học kéo dài 3 năm, các chiến binh mạng sẽ làm việc một năm tại các công ty để có được kinh nghiệm thực tiễn. Đây gọi là “kế hoạch 3+1”. Những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sau đó sẽ được Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tuyển dụng.

TRÍ VĂN (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết