02/10/2020 - 10:26

Trung Quốc sẽ quay lại sử dụng than? 

Chủ tịch Tập Cận Bình tuần rồi gây ngạc nhiên cho thế giới với cam kết đến năm 2060 Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu “carbon trung tính”, nhưng Bắc Kinh vẫn còn lo ngại về tăng trưởng, việc làm và an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.

 Than vẫn được sử dụng nhiều tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

 Than vẫn được sử dụng nhiều tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang phát triển thêm các dự án thủy điện, năng lượng Mặt trời và gió với tốc độ rất nhanh để những nhà máy nhiệt điện than không thể đe dọa mục tiêu cắt giảm carbon của nước này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phá bỏ các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ và thay bằng những công trình hiệu quả cũng như sử dụng than ít hơn.

Quan chức kỳ cựu về khí hậu của Trung Quốc, Giải Chấn Hoa, gần đây nói rằng nhu cầu than đã đạt đỉnh hồi năm 2013 và Bắc Kinh chuẩn bị thực thi các biện pháp khắt khe trong kế hoạch 5 năm (2021-2025) để tiếp tục kéo giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch này. Trung Quốc tuyên bố sẽ “đoạn tuyệt” với than nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây ấm lên toàn cầu. Do đó, nước này đã giảm tỷ lệ than trong tổng nguồn cung năng lượng từ khoảng 70% của năm 2010 xuống còn 57,7% cuối năm ngoái và hướng tới mục tiêu 53% vào năm 2025 bằng cách đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Năm 2019, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tạo ra hơn 1.000GW điện than và 759GW năng lượng sạch - tương đương sản lượng điện tái sinh của Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại. Báo cáo hồi tháng 1 của viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ xác định Trung Quốc phải ngừng xây dựng toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than mới để có thể đạt được những mục tiêu dài hạn về khí hậu.

Tuy nhiên, Hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng những dự án khổng lồ như Chính Ninh cho thấy sử dụng than đang trở lại. Theo đó, Hoa Năng - một trong 5 tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - sắp tái khởi động dự án nhà máy nhiệt điện than Chính Ninh có công suất 4GW sau 4 năm tạm hoãn. Việc xây dựng dự kiến sẽ nối lại trong năm nay, với tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2023. Nhà máy có vốn đầu tư 1,9 tỉ USD này sẽ cung cấp điện cho khu vực phía Ðông Trung Quốc.

Thực tế, trong nửa đầu năm nay Trung Quốc đã đưa vào sử dụng các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 11,4GW, nhiều hơn phân nửa năng lực điện than bổ sung trên thế giới trong giai đoạn này. Tổ chức Kiểm soát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cũng nhận thấy Bắc Kinh đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất gần 250GW, đủ để cấp điện cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Ðức.

Qua phân tích kế hoạch kích thích kinh tế hậu COVID-19 ở 8 tỉnh vốn chiếm 50% lượng phát thải CO2 của Trung Quốc, tổ chức CarbonBrief phát hiện ngân sách dành cho các dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vượt lượng đầu tư mới cho năng lượng tái sinh với tỷ lệ 3-1. Mặc dù giới chức địa phương bị “quở trách” vì xây dựng quá nhiều nhà máy mới, giới quan sát cho rằng kinh tế vẫn là mối lo chính đối với Trung Quốc. “Các nhà máy nhiệt điện than mới là cách để các tỉnh ở Trung Quốc hỗ trợ một số ngành khác như khai thác than và công nghiệp nặng”, Christine Shearer tại GEM nhận định. Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, những dự án được tiếp sức bởi lượng than nội địa cũng có thể tạo ra sức hút mạnh hơn vì Chính phủ Trung Quốc háo hức cải thiện khả năng tự cung và giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng nước ngoài. Trung Quốc hiện có trữ lượng than lớn thứ ba trên thế giới.

Do vậy, giới phân tích tin rằng Trung Quốc khó có thể đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và “carbon trung tính” vào năm 2060, như ông Tập Cận Bình vừa tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết