13/10/2017 - 13:56

Trung Quốc sắp trở thành nhà tài trợ lớn nhất thế giới 

Các chuyên gia thuộc dự án AidData chuyên theo dõi quá trình viện trợ phát triển quốc tế nhận định, Trung Quốc có thể sẽ sớm “vượt mặt” Mỹ để trở thành nhà viện trợ lớn nhất thế giới tại các nước đang phát triển.

Theo báo cáo vừa được công bố, trong giai đoạn 2000-2014, Trung Quốc đã cung cấp gần 354,4 tỉ USD viện trợ và các hình thức hỗ trợ khác cho hơn 4.300 dự án tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Trong khi đó, Mỹ chi 394,6 tỉ USD trong cùng thời kỳ. AidData nhận định, Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn nữa để thể hiện quyền lực mềm thông qua viện trợ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 tuyên bố muốn cắt giảm khoảng 32% chi tiêu phi quân sự tại nước ngoài, tương đương 13,5 tỉ USD.

Cảng Gwadar của Pakistan, nơi được xây dựng từ nguồn viện trợ của Trung Quốc. Ảnh: BBC

Báo cáo cho biết, dù viện trợ toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc đang “áp sát” nhau nhưng chỉ có 23% tổng số nguồn viện trợ của Bắc Kinh nằm trong diện hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Trái lại, 93% viện trợ của Washington rơi vào hạng mục ODA, tức tài trợ cho các dự án thúc đẩy phát triển và có tỷ lệ viện trợ không hoàn lại ít nhất 25%. Phần còn lại là OOF - các khoản vay được cấp cho các dự án không có mục đích phát triển và có tỷ lệ viện trợ không hoàn lại dưới 25% hoặc tính lãi suất thị trường.

Dù vậy, báo cáo cho biết các dự án được Trung Quốc viện trợ mang lại hiệu quả như các dự án được Mỹ hay các quốc gia viện trợ hàng đầu thế giới khác. Theo đó, các dự án do Trung Quốc viện trợ đã giúp GDP của nước được nhận viện trợ tăng trưởng thêm trung bình 0,7% sau 2 năm thỏa thuận được ký kết.

Theo báo cáo, phần lớn tiền viện trợ của Trung Quốc được phân phối khắp thế giới, từ việc xây bệnh viện ở Senegal đến các cảng ở Pakistan và Sri Lanka. Trong đó, 2 dự án nước ngoài nhận được nguồn tài trợ lớn nhất của Trung Quốc, với 34 tỉ USD vay OOF từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc về Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft  của Nga hồi năm 2009. Tính đến năm 2014, Nga đã nhận hơn 35,9 tỉ USD viện trợ từ Bắc Kinh và trở thành quốc gia nhận viện trợ từ Trung Quốc nhiều nhất, tiếp theo là Pakistan và Nigeria. Ngoài ra, Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2014 cũng đã viện trợ cho 17 dự án ở Triều Tiên, với số tiền tổng cộng 210 triệu USD. Ngược lại, tiền viện trợ của Mỹ chủ yếu được phân phối tại Iraq, Afghanistan và Pakistan.

Như vậy, chỉ trong vòng vài thập kỷ, Trung Quốc đã chuyển từ quốc gia nhận viện trợ sang nhà tài trợ sau khi nổi lên là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết