07/09/2021 - 07:32

Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh biểu hiện lệch lạc của văn hóa thần tượng 

Hơn 2 năm qua, chính quyền Trung Quốc liên tiếp có những động thái quyết liệt và mạnh tay để chấn chỉnh những lệch lạc trong văn hóa tôn sùng thần tượng ở quốc gia này. Cuộc chấn chỉnh này đã tạo nên cơn lốc “thổi bay” sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ hàng đầu.

Triệu Vy bị xóa tên khỏi tất cả các giải thưởng điện ảnh danh giá...

Triệu Vy bị xóa tên khỏi tất cả các giải thưởng điện ảnh danh giá...

Nhận thấy mạng xã hội đang tạo nên nhiều khuynh hướng lệch lạc trong giới trẻ, nhất là trào lưu thần tượng hóa nghệ sĩ bất chấp đúng sai, các ngành chức năng Trung Quốc đã có những hành động dứt khoát. Cơ quan quản trị không gian mạng Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm mọi hình thức xếp hạng nghệ sĩ dựa vào mức độ nổi tiếng; áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhằm kiểm soát việc các hội nhóm người hâm mộ gây lũng loạn ngành âm nhạc, điện ảnh, các chương trình truyền hình. Nhất là thẳng tay xử lý các trường hợp nghệ sĩ sai phạm. Cụ thể, diễn viên Trịnh Sảng bị cơ quan điều tra buộc tội trốn thuế với mức phạt 46 triệu USD, bị chính thức lên án về đạo đức khi “lách luật” thuê người mang thai hộ. Các kênh truyền thông nội địa được yêu cầu không phát sóng nội dung có sự góp mặt của Trịnh Sảng. Một trường hợp gần đây gây chấn động là nữ diễn viên quyền lực hàng đầu Triệu Vy bị xóa tên khỏi tất cả các giải thưởng điện ảnh danh giá và phim do cô đóng... Những hội nhóm người hâm mộ của các diễn viên nêu trên tại các nền tảng mạng xã hội lớn Trung Quốc cũng bị vô hiệu hóa. Những hành động mà ngành giải trí Trung Quốc gọi là “phong sát” này diễn ra rất nhanh, dứt khoát.

Các nền tảng phát trực tuyến cũng được đặt dưới sự kiểm soát, bởi các cơ quan chức năng nhận định đây là một trong những nguyên nhân tạo nên xu hướng thần tượng không lành mạnh. Cụ thể như trong một chương trình do iQiyi sản xuất, để kiếm điểm cho thần tượng, người hâm mộ đã quyên góp số tiền lớn mua thật nhiều sữa của Mengniu Dairy - nhà tài trợ của chương trình. Sau đó họ lại mang sữa đổ xuống một mương nước vì không thể sử dụng hết. Sự lệch lạc trong việc ủng hộ thần tượng này đã khiến các cơ quan chức năng chấn chỉnh và iQiyi buộc phải ngưng sản xuất những chương trình thần tượng.

Biểu hiện đáng lo ngại nhất hiện nay là một bộ phận người hâm mộ không cần phân biệt đúng sai, chỉ tin thần tượng. Dẫn chứng là trường hợp Ngô Diệc Phàm bị tố cáo cưỡng hiếp và cơ quan điều tra sau quá trình làm việc đã bắt giam ngôi sao này. Thế nhưng người hâm mộ vẫn tổ chức gây quỹ giúp thần tượng trang trải án phí. Sự mù quáng và quá khích của người hâm mộ còn góp phần giúp các doanh nghiệp lũng loạn thị trường. Đó là khi thần tượng trở thành đại diện của một nhãn hàng, người hâm mộ điên cuồng tiêu thụ sản phẩm. Mark Tanner, Giám đốc quản lý hãng tiếp thị và nghiên cứu thị trường China Skinny, cho biết: “Trên 50% kinh phí tiếp thị của nhiều nhãn hàng hiện nay dùng để thuê các ngôi sao có lưu lượng tương tác cao trên internet làm đại diện”.

Trước thực tế này, các ngành chức năng Trung Quốc không chỉ xử lý cá nhân nghệ sĩ và công ty vi phạm, tạo hành lang pháp lý để chấn chỉnh hành vi của người hâm mộ; mà còn rà soát các ngành kinh tế thứ cấp có liên quan đến các hoạt động của nghệ sĩ.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Nytimes, Chinadaily)

Chia sẻ bài viết