27/04/2023 - 08:41

Trung Quốc lấp đầy khoảng trống kinh tế tại Trung Á? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Những nỗ lực nhằm áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế tương tự như Trung Quốc của Uzbekistan đang mở đường cho Bắc Kinh xây dựng “thành trì” ở Trung Á và lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Tashkent hôm 12-4. Ảnh: EFE

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 30-4 tới đây, quốc gia đông dân nhất Trung Á sẽ quyết định có nên kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 5 năm lên 7 năm hay không và liệu sẽ đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn dành cho các nhà đầu tư, gồm các công ty Trung Quốc, hay không. “Hiến pháp có những điều khoản đặc biệt để bảo về quyền của các doanh nghiệp. Chúng tôi là một nền kinh tế đang phát triển. Ðó là lý do vì sao bảo vệ quyền của các doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chính phủ” - cựu Ngoại trưởng Uzbekistan Vladimir Norov nói với SCMP.

Bình luận của ông Norov được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á (C+C5) tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trình bày “đại kế hoạch” để nâng cấp quan hệ với Trung Á. Cơ chế được đưa ra hồi năm ngoái này được coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa sự phối hợp chiến lược hơn với Trung Á về các vấn đề “nóng” như cuộc chiến ở Ukraine hay cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. Trung Quốc cũng lên kế hoạch tổ chức một diễn đàn lớn tại Bắc Kinh vào cuối năm nay để đánh dấu kỷ niệm 10 năm sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” nhằm liên kết hàng chục nền kinh tế ở châu Á, châu Âu và châu Phi thành mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Theo ông Norov, Trung Á trong lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Trung Quốc và châu Âu và việc châu Âu áp đặt các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa của Nga “tạo ra một số động lực cho Trung Á”. Như tận dụng lợi thế này, Bắc Kinh đã kêu gọi khởi công xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan, bởi dự án sẽ cung cấp tuyến đường bộ thay thế cho hàng hóa Trung Quốc đến Trung Ðông và châu Âu. Ông Norov cho biết tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan sẽ cho phép hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu nhanh hơn vài ngày.

Thật ra, Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng cường can dự vào Trung Á để chống lại áp lực từ Mỹ và duy trì sự ổn định của biên giới phía Tây. Trong chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan hồi tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington sẽ tập trung vào việc giúp 2 nước này đạt được sự cân bằng trong quan hệ song phương và với thế giới bên ngoài.

Theo ông Norov, mục tiêu của các nước Trung Á là duy trì mối quan hệ cân bằng với các cường quốc bằng cách áp dụng mô hình “Trung Á cộng”, bao gồm cả với Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, ông Norov thừa nhận với trữ lượng khoáng sản đáng kể hiện có ở các nước Trung Á, khả năng công nghệ của Trung Quốc ngày càng trở nên phù hợp, đặc biệt là các dự án tài chính xanh của BRI. Theo nền tảng nghiên cứu Land & Climate Review (Anh), Trung Á nắm giữ 38,6% trữ lượng quặng mangan toàn cầu, 5,3% đồng và 5,3% coban, khiến khu vực trở thành một trong 20 nhà sản xuất nguyên vật liệu quan trọng hàng đầu thế giới.

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước Trung Á đạt 70 tỉ USD vào năm 2022, tăng 40% so với năm 2021. Riêng thương mại điện tử xuyên biên giữa Trung Quốc và khu vực năm 2022 tăng 95% và gần 300 doanh nghiệp Trung Á đã tham gia các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Theo Cơ quan Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, trong giai đoạn 2005-2022, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 850 triệu USD vào Kyrgyzstan, 1 tỉ USD vào Tajikistan, 1,56 tỉ USD ở Uzbekistan, 1,79 tỉ USD ở Turkmenistan và 19,86 tỉ USD vào Kazakhstan. 

 

Chia sẻ bài viết