14/07/2018 - 07:36

Trung Quốc cạnh tranh với Thung lũng Silicon 

Thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, đang xây dựng một công viên nghiên cứu nhằm thúc đẩy thế hệ những “gã khổng lồ” công nghệ tiếp theo của Trung Quốc, theo Bloomberg. Với diện tích 216 km vuông trải dài dọc theo phía Bắc thành phố, cơ sở này là nơi tập trung của hàng chục hãng công nghệ cao cũng như vô số các công ty khởi nghiệp.

Công viên nghiên cứu tại Nam Kinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg
Công viên nghiên cứu tại Nam Kinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg

Hiện Nam Kinh được xem là “át chủ bài” của Chính phủ Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ. “Nếu bạn đến Nam Kinh để tìm việc làm hoặc thành lập công ty khởi nghiệp cho riêng mình, bạn có thể tận hưởng các chính sách ưu đãi về tuyển dụng nhân tài, nhà ở, giảm lãi suất vay vốn, miễn phí thuê văn phòng,… Còn nếu bạn thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển mới ở Nam Kinh, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa 5 triệu nhân dân tệ (NDT) mỗi năm. Chúng tôi sẽ bỏ ra 15 triệu NDT để hỗ trợ cho những ai thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc những công ty đầu tư mạo hiểm. Còn nếu bạn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Nam Kinh, chúng tôi sẽ hỗ trợ tới 5 triệu NDT. Nếu như đầu tư thất bại, bạn có thể được đền bù 6 triệu NDT “ - Lan Shaomin, thị trưởng Nam Kinh, tuyên bố.

Trong số các công ty khởi nghiệp tại công viên nghiên cứu nói trên, đáng chú ý nhất là Chuangxin Qizhi, được cho là đã nhận được sự hậu thuẫn từ Chính phủ Trung Quốc. Chuangxin Qizhi hiện đang hợp tác với các công ty trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất và tài chính nhằm tăng cường hoạt động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). “Chúng tôi có thể phát triển rất nhanh. Chúng tôi đang thử nghiệm, sau đó sẽ thay đổi cách thức hoạt động nếu cần” - Hocking Xu, giám đốc điều hành của Chuangxin Qizhi cho biết.

Bloomberg tiết lộ, chỉ vài giờ trước khi Chuangxin Qizhi khai trương, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra một báo cáo dài 35 trang, trong đó tố Trung Quốc “xâm lược kinh tế”, đe dọa nền công nghệ và sở hữu trí tuệ của xứ cờ hoa, triển khai các cuộc tấn công mạng và hậu thuẫn các công ty khởi nghiệp như Chuangxin Qizhi. Cùng với việc đánh thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đang có kế hoạch giám sát một cách chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp nhạy cảm của Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc Kinh đạt mục tiêu dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực AI và xe điện. Song, động thái này dường như là quá muộn khi mà Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và Tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc đã nằm trong tốp 10 công ty có giá trị nhất thế giới, cùng với “đại gia công nghệ” Apple và nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon của Mỹ. Trong khi đó, với số vốn đầu tư mạnh, các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng có thể cạnh tranh với các đối thủ ở Thung lũng Silicon. Trong số 4 công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, có đến 3 công ty đến từ Trung Quốc, đáng chú ý nhất là “gã khổng lồ” thanh toán trực tuyến Ant Financial có giá trị lên tới 150 tỉ USD.

Không chỉ Nam Kinh, Thủ đô Bắc Kinh cũng đang xây dựng một trung tâm công nghệ trị giá 2,1 tỉ USD chỉ phục vụ riêng cho công tác nghiên cứu AI. Đến nay, có tổng cộng 156 khu công nghệ cấp nhà nước nằm rải rác trên khắp Trung Quốc, chủ yếu được lập ra nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp được coi là ưu tiên quốc gia. Dù các công ty công nghệ Trung Quốc không nổi tiếng hơn Apple, Google hay Microsoft nhưng Mike Moritz, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, cho rằng Trung Quốc đã vượt Mỹ. “Trung Quốc đang chiến thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu” - ông Moritz nhận định. 

Từ lâu, ngành công nghệ Trung Quốc đã có những dấu hiệu cho thấy có thể sẽ đe dọa thế bá chủ của Mỹ, đặc biệt kể từ khi 3 công ty Internet hàng đầu Trung Quốc được thành lập hồi cuối những năm 1990, gồm Alibaba, Tencent và Baidu. Hiện họ đã trở thành những “gã khổng lồ” công nghệ và đang ra sức đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Ước tính, số tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ con số 4,2 tỉ USD năm 2013 lên mức 63,1 tỉ USD vào năm 2017, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp của 3 “gã khổng lồ” công nghệ này.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết