Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường năng lực hải quân trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, cả Bắc Kinh và New Delhi đều có kế hoạch đưa tàu sân bay thứ 3 đi vào hoạt động.

Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Trong đoạn phim dài 5 giây về tàu sân bay Phúc Kiến được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng hôm 2-1 vừa qua, khán giả có thể nhìn thấy có tới 3 máy phóng điện từ (EMALS) trên sàn đáp, trong đó 2 máy phóng ở mũi tàu và 1 máy phóng ở eo tàu. CCTV cho biết, tàu Phúc Kiến dài 316m và là tàu sân bay có máy phóng đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo hoàn toàn.
Theo Reuters, hệ thống EMALS trên tàu Phúc Kiến giúp tàu này có thể triển khai nhiều loại máy bay hơn tàu Sơn Đông (đưa vào hoạt động hồi năm 2019) hay Liêu Ninh (hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, được hoán cải từ vỏ tàu mua từ Ukraine), đồng thời sẽ đáng tin cậy hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Nó có thể mang theo 60-70 chiến đấu cơ và máy bay cảnh báo sớm. Masafumi Iida, chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản cho biết EMALS “cho phép máy bay cất cánh trong khi mang theo lượng tên lửa và nhiên liệu lớn hơn, giúp cải thiện tầm bắn và khả năng chiến đấu, đồng thời mở rộng các lựa chọn chiến thuật”.
Theo giới chuyên gia, quân đội Trung Quốc đang muốn có thêm nhiều tàu được trang bị EMALS, làm dấy lên suy đoán rằng nước này có thể chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân, bắt đầu từ tàu sân bay thứ 4. Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Mỹ) hồi năm 2022 dự đoán rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) “có thể có đủ nguồn lực để sở hữu 5 tàu sân bay” vào năm 2031.
Được hạ thủy hồi tháng 6-2022, Phúc Kiến là tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc với lượng giãn nước hơn 80.000 tấn.
Dựa trên phân tích của giới chuyên gia, Thời báo Hoàn Cầu mới đây tin rằng tàu sân bay Phúc Kiến có thể sớm được đưa vào thử nghiệm trên biển. Giới chức an ninh Nhật Bản cũng tin rằng tàu sân bay này đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng cho đợt thử nghiệm sắp tới. Trong khi đó, cơ quan phòng vệ Đài Loan dự đoán tàu Phúc Kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc tàu sân bay này có thể đóng vai trò nào đó nếu Trung Quốc phát động cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan.
Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã khiến Ấn Độ đẩy nhanh trang bị cho lực lượng hải quân của mình. Hiện Ấn Độ vận hành 2 tàu sân bay, gồm INS Vikramaditya do Nga sản xuất và INS Vikrant - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ có lượng giãn nước khoảng 43.000 tấn và được đưa vào sử dụng hồi năm 2022. Hải quân Ấn Độ cho biết, INS Vikrant dài 262m, rộng 62m, có hơn 2.300 khoang, đủ sức chứa 1.700 thủy thủ đoàn. Đáng chú ý, tàu sân bay này có tầm hoạt động lên tới 7.500 hải lý (khoảng 13.890km) và có thể mang theo 30 máy bay trực thăng và tiêm kích, gồm MiG-29K, trực thăng Kamov Ka-31 và trực thăng cảnh báo sớm trên không MH-60R. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang cân nhắc mua chiến đấu cơ Rafale-M hoặc F/A-18 Block III để hoạt động trên tàu chiến này.
Ngoài INS Vikramaditya và INS Vikrant, Ấn Ðộ còn có kế hoạch đóng tàu sân bay thứ 3 mang tên INS Vishal, có lượng giãn nước 65.000 tấn và có thể mang tới 57 tiêm kích các loại. Hải quân Ấn độ đang cân nhắc trang bị hệ thống EMALS cho INS Vishal. Đây được coi là cải tiến đáng kể so với cơ cấu cầu nhảy (STOBAR) trên INS Vikramaditya và INS Vikrant, vốn giới hạn đáng kể khối lượng cất cánh tối đa của máy bay, khiến chúng không thể mang nhiều vũ khí hoặc nhiên liệu. Mặt khác, New Delhi đang tìm kiếm tiêm kích 2 động cơ của nước ngoài để trang bị cho tàu sân bay với vốn đầu tư lên tới 25 tỉ USD, trong đó dòng F/A-18 của Mỹ và Rafale của Pháp đang là lựa chọn hàng đầu.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)