28/09/2019 - 20:47

Trông trăng đáy nước 

Truyện ngắn: Lương Minh Hinh

 

Cậu bé Văn Nhiên thuộc nhóm trẻ khuyết tật được đưa tới cơ sở nuôi dưỡng được chừng mươi tháng nay, ở nhóm lớp do cô giáo Tú Mai phụ trách.

Văn Nhiên thông minh, không chỉ học đâu hiểu đó, mà còn nhanh nhẹn hỏi bài tiếp theo liền. Trò giỏi làm cô giáo hứng thú dạy, tới dăm bảy tháng là Văn Nhiên được chuyển lên lớp cùng với các bạn học trước mấy năm. Có tài có tật. Cậu bé bị bệnh từ nhỏ, teo liệt một chân, bước đi khập khiễng chậm chạp. Chuyện này thì nhà trường lo cho Văn Nhiên cái nạng chống nho nhỏ. Nhưng đáng lo nhất là dù giỏi giang thông minh nhưng Văn Nhiên có tật học hành lãng đãng chẳng giống ai. Các tiết học chính thức thì khi có mặt, lúc lại vắng; vậy mà khi lớp không có tiết, lại ngồi ngay ngắn ở bàn học, cắm cúi vào tập vở. Nhiều lúc cô giáo không hiểu, phải thốt lên: Học trò đến từ nhà ghe thiệt đặc biệt hơn người!

Những lúc Văn Nhiên cúp học, cô Tú Mai vẫn thắc mắc, trò làm gì giờ đó. Một lần chú tâm tới trò, cô “bắt được” Văn Nhiên khuất bóng bên cái bồn nước cạn ở góc vườn trường vắng vẻ. Cậu bé cắm cúi làm họa sĩ vẽ hình ảnh bóng vầng trăng dưới nước. Trò Văn Nhiên lật tập tranh lần lượt từ bức đầu tiên đến cuối để cô giáo coi. Cô vừa trò chuyện với Văn Nhiên, vừa dùng điện thoại quay phim về các bức tranh. Về nhà cô mở coi đi coi lại, thì nhận ra cảnh trăng vẽ được xếp theo thứ tự ngày tháng âm lịch từ đầu tới cuối tháng. Cô nhẩm tính: Mỗi ngày lúc có trăng là Văn Nhiên tới đây ngồi vẽ, bỏ giờ học và không kể ngày đêm. “Mùng một lưỡi trai. Mùng hai lá lúa… Hai mươi giấc tốt. Hai mốt nửa đêm”… vậy là những ngày cuối tháng trăng khuyết soi bóng xuống hồ ban ngày nên bỏ tiết học ra đây vẽ. Ngày ba mươi không nhìn thấy trăng. Một tháng Văn Nhiên mới thoát khỏi con trăng một ngày. Tại sao Văn Nhiên gắn bó với trăng vậy? Làm sao để gỡ nỗi mê mệt con trăng để Văn Nhiên tập trung học hành? Cô Tú Mai trằn trọc nghĩ cả đêm rồi quyết định in cho “họa sĩ Văn Nhiên” tập tranh “Hai mươi chín Ông Trăng”, để có tập sách rồi Văn Nhiên tha hồ mà ngắm trăng, không còn học hành lơi vơi nữa. 

Nghĩ đến giải pháp này cô giáo Tú Mai nhẹ nhõm một phần. Phần còn lại là sắp xếp cùng các giáo viên trong cơ sở đến thăm nhà Văn Nhiên, đặc biệt có mời cô Cẩm Thi là họa sĩ cộng tác với tạp chí văn nghệ tỉnh nhà, để “giải mã” niềm đam mê ánh trăng của cậu trò nhỏ. 

***

Khi cha mẹ Văn Nhiên được cấp đất, cất nhà ở khu dân cư vượt lũ thì cậu được đưa tới cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Cái nhà ghe - mái ấm của gia đình ngày nào - cũng theo chủ nằm sau ngôi nhà tình nghĩa ở khu dân cư. Nhà ghe vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm giữa Văn Nhiên với sóng nước, luồng lạch nông sâu. Đó là cái bộ khung vây giữ để Văn Nhiên lúc ở mình ên không bị té xuống nước khi cha mẹ mải lo chuyện kiếm sống. Cô giáo Tú Mai và các thầy cô cùng đến thăm nhà Văn Nhiên, được cha mẹ của học trò mời lên gồi nhà ghe chạy xuôi theo những dòng sông ngày xưa gia đình từng đi qua. Dọc theo đường nước đó, bà con hai bên bờ mỗi người góp một cuộc chuyện trò về cậu bé Văn Nhiên bị quây trong khung cũi trên nhà ghe. Thằng nhỏ trong cũi nhìn thế giới qua đường nước. Hẳn là Văn Nhiên đã thấy nhiều nhất là trăng soi bóng, nên khi có giấy bút trong tay thì tài hoa hội họa mới bộc lộ và gắn liền những cảm xúc với trăng. Cái bồn nước ở trường hẳn là chỗ nhìn tiếp theo của Văn Nhiên khi rời dòng nước của nhà ghe đây. Nghe câu chuyện, cô Cẩm Thi chợt tìm được linh cảm sáng tác và hào hứng lôi dụng cụ ký họa ngay phác thảo bức tranh về cậu học trò Văn Nhiên: Nhà ghe trên dòng sông. Cây cối, nhà cửa đôi bên bờ tĩnh lặng êm đềm. Trời xa với mây ngũ sắc, đàn cò bay ngang trời. Và trăng dừng trước mũi nhà ghe, ánh sáng huyền diệu.

Mỗi người mỗi lời góp thêm cho phác thảo bức tranh của cô Cẩm Thi. Chợt nhà ghe lung liêng. Thầy giáo Thế Đức dạy môn thể dục bảo có việc quan trọng, rồi thầy vin cành cây đu lên bờ về trường. Các thầy cô còn lại thì tiếp tục trải qua mấy ngày lênh đênh cùng nhà ghe, để tìm và vận động thêm học trò đến trường, còn cô Cẩm Thi thì vẫn tiếp tục công việc sáng tác về cậu học trò Văn Nhiên, để góp thêm tranh cho cuộc triển lãm vận động giúp đỡ học trò khuyết tật vùng sông nước. Đến khi kết thúc hành trình, cô đã có một loạt các phác thảo tranh: Văn Nhiên trong nhà cũi trông trăng đáy nước; trăng lặn cùng với bóng cha của Văn Nhiên mưu sinh bên dòng nước; bóng trăng vướng trên mắt lưới với cá tôm; lưỡi câu chùm với bóng trăng và dáng mẹ của Văn Nhiên…

Dọc đường về, các thầy cô vui mừng vì tất cả gia đình mà các thầy cô đến thăm đều đã đồng ý đưa con đến cơ sở, lại thêm những phác thảo tuyệt vời của cô Cẩm Thi chắc chắn sẽ giúp các em rất nhiều. Các thấy cô ôm tranh về văn phòng. Mà sao vắng lặng như tờ vầy? Cô Tú Mai nhìn ra thấy các thầy cô và toàn thể học trò đang tập trung quanh hồ bơi sau trường. Chuyện chi lạ vậy? Dưới hồ, thầy Thế Đức và Văn Nhiên đang ôm phao bơi.

Công việc quan trọng khiến thầy Thế Đức phải đột ngột rời nhà ghe về trường chính là thầy nghĩ tới cậu học trò khuyết tật dù sống trên sóng nước không được đưa xuống nước từ bao lâu nay. Thầy về luyện cho Văn Nhiên thành kình ngư. Bây giờ thầy và trò biểu diễn kết quả với toàn trường. Họa sĩ Văn Nhiên giờ thích thú với biệt danh mới “kình ngư Văn Nhiên”, khiến thầy cô và bạn bè mừng vui cảm phục cậu bé khuyết tật đôi chân vẫn vẫy vùng sóng nước.

Thầy Thế Đức phát lệnh “biểu diễn”. Văn Nhiên tung mình trên mặt nước bơi vòng vòng quanh bờ hồ cho gần khán giả. Cô Tú Mai cùng các thầy cô liền dang rộng những bức phác họa của cô Cẩm Thi, làm nền để Văn Nhiên biểu diễn các các kiểu bơi cá nhân hết sấp lại ngửa. Cậu bé dùng các động tác để cho thấy đôi chân dù không lành lặn vẫn vẫy vùng trên sóng nước nhịp nhàng bài bản. Hồ bơi dậy tiếng hò reo, náo nức và phấn chấn cả trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.

Chia sẻ bài viết