09/02/2020 - 23:19

Trong “nguy” vẫn thấy “cơ”

Những ngày này, không chỉ cùng cả nước tham gia trận chiến phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, ở nhiều nơi trong vùng ĐBSCL, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân còn phải căng mình ra để chiến đấu trên một mặt trận khác: xâm nhập mặn.

Mùa khô năm 2019-2020, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn so với nhiều năm, đang ở mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ nay đến nửa đầu tháng 3-2020 sẽ ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn, thậm chí trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016 (mùa hạn mặn lịch sử gây thiệt hại lớn cho toàn vùng). Đến nay, trên sông Vàm Cỏ nước có độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 100km; trên sông Hậu, sông Cổ Chiên vào sâu gần 70km; trên các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cái Lớn vào sâu gần 60km. Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông này đã vào sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3-11km. Từ nay đến giữa tháng 3-2020, dự báo xu thế xâm nhập mặn với chiều sâu ranh mặn 4 phần ngàn ở ĐBSCL còn tiếp tục tăng cao.

Trước thực tế và những dự báo kém lạc quan đó, từ đầu năm 2020, tại “Hội nghị Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020”, tổ chức ở Bến Tre, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: Mục tiêu hàng đầu trong phòng chống hạn, mặn là phải chủ động đảm bảo cuộc sống cho người dân, không được để bất kỳ hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và đảm bảo nước cho sản xuất; bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước. Theo chỉ đạo đó, bên cạnh việc tăng cường phối hợp, thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều bộ, ban, ngành có liên quan của Trung ương về phòng chống hạn mặn, các địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ trong hệ thống chính trị đến toàn xã hội về tinh thần, ý thức chủ động đối phó, thích ứng, hạn chế những tác hại do xâm nhập mặn gây ra; đồng thời, nhận diện, khai thác tốt những cơ hội do xâm nhập mặn đem lại, đưa vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.

Từ cuối năm 2019, nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn, đã tiến hành duy tu, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi cấp thiết để ngăn mặn, trữ nước ngọt; bố trí nhiều điểm đo mặn trên các sông, kênh, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để chủ động vận hành các công trình lấy và trữ nước ngọt hợp lý; xây dựng thêm các hồ, đập chứa nước ngọt, các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân ở những nơi thường xuyên thiếu nước ngọt trong mùa hạn, mặn. Các địa phương cũng đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động người dân chủ động trữ và sử dụng nước ngọt hiệu quả, tiết kiệm. Ở nhiều nơi, ngành nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn người dân chủ động bố trí lại cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cách trữ nước, kỹ thuật canh tác giúp cây trồng vật nuôi phát triển tốt trong mùa hạn, mặn. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân sáng tạo ra các mô hình nuôi trồng, canh tác tổng hợp thích ứng với mùa hạn mặn, không lệ thuộc vào độc canh cây lúa và vẫn có thể khá giàu từ nước mặn.

Biết rằng cuộc chiến với những tác động bất lợi của hạn mặn còn lắm gian nan. Song, những nỗ lực chủ động đó đã giảm thiểu được những thiệt hại do xâm nhập mặn mang lại cho xã hội và cộng đồng trên nhiều lĩnh vực. Và quan trọng hơn là đã tạo ra sự thay đổi trong tư duy của nhiều người dân ĐBSCL rằng xâm nhập mặn không phải chỉ mang lại toàn những hệ lụy.

Trong bối cảnh ĐBSCL đã, đang và sẽ còn chịu nhiều tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, của những công trình ngăn dòng chảy chính - chuyển nước từ  các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong, việc thích ứng với khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở vùng này là một bài toán nan giải. Nhưng trong “nguy” bao giờ cũng có “cơ”. Cùng với các quyết sách của Trung ương, của các tỉnh, thành phố trong vùng thông qua các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch phát triển ĐBSCL và từng tỉnh, thành phố theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ thì những nỗ lực, sáng tạo, chủ động vượt khó, biết cách tìm tòi, khai thác những lợi ích mà nước mặn đem lại của từng người dân, từng doanh nghiệp, từng nhà khoa học, từng cán bộ lãnh đạo - quản lý,… sẽ giúp ĐBSCL dần thích ứng, thoát nỗi lo vì nước mặn, tiến tới chung sống với mặn (như đã từng chung sống với lũ) và có được cuộc sống khá giả, phồn vinh từ nước mặn.

Những thương hiệu “Tôm Bạc Liêu”, “Cua Cà Mau”, “Gạo ST25” (gạo ngon nhất thế giới) ở ĐBSCL há không phải được sinh ra từ vùng nhiễm mặn đó sao?

HUY HƯNG

Chia sẻ bài viết