09/12/2023 - 15:30

Trợ lực cho người viết trẻ 

Mới đây, tại Cần Thơ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ phối hợp tổ chức tọa đàm “Tiềm lực văn chương và người viết trẻ”. Câu chuyện về đội ngũ tác giả văn học trẻ ở ÐBSCL và trợ lực cách nào để vun bồi tài năng được chia sẻ với nhiều góc nhìn thú vị.

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tọa đàm “Tiềm lực văn chương và người viết trẻ”.

Lực lượng tác giả văn học trẻ ở ÐBSCL hiện có nhiều gương mặt nổi bật, nhưng lại phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Nhiều gương mặt trẻ tập trung ở tỉnh An Giang, tỉnh Cà Mau, TP Cần Thơ. Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cần thiết phải có sự hỗ trợ để người viết trẻ “đi đường dài” từ hội nghề nghiệp địa phương, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ... Trong đó, việc phát hiện và chăm bồi tài năng văn chương là rất quan trọng. Nhà văn Bích Ngân nêu điển hình Giải thưởng Khởi nghiệp văn chương do Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Qua 2 lần tổ chức, giải thưởng phát hiện nhiều tài năng trẻ. Một điển hình khác là ở tỉnh An Giang, câu hỏi nhiều người đặt ra là: “Làm sao vùng đất này lại có nhiều tài năng văn chương trẻ đến vậy?”. Nhà văn Bích Ngân dẫn lời nhà văn trẻ quê An Giang - Lê Quang Trạng, cho rằng: Không phải ngẫu nhiên, mà từ hơn 20 năm trước, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã gieo mầm, vun trồng để mầm non đâm chồi nảy lộc. “Môi trường để ươm mầm người viết trẻ là rất quan trọng. Làm sao để người trẻ bớt thấy khó khăn, bớt gieo neo, bớt cô đơn khi theo đuổi văn chương”, nhà văn Bích Ngân nói.

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang thì cho rằng, ÐBSCL từng có nhiều giải pháp hay trong việc hỗ trợ người viết trẻ. Ðơn cử là các câu lạc bộ, bút nhóm từng rất thịnh hành, là nơi để người trẻ tập tành những bước đi đầu tiên đến với văn chương, với sự quan tâm của hội chuyên ngành. Ở Tiền Giang, từ năm 1998 từng có câu lạc bộ sáng tạo văn học, có cả tờ đặc san văn nghệ trẻ, nhưng hiện không còn duy trì, do nhiều nguyên nhân.

Trao đổi bên lề tọa đàm, nhà lý luận văn học Lê Xuân cho rằng: Người viết trẻ có thế mạnh như được đào tạo bài bản, tiếp cận nhiều thông tin, kỹ năng công nghệ tốt... Nhưng người viết trẻ cũng có nhiều “vướng mắc” như vốn sống ít, chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc đọc. Ông cho rằng, Hội Nhà văn cần quan tâm đến lực lượng này bằng các lớp sáng tác, các chuyến đi thực tế... Các nhà văn lão thành cũng nên gần gũi động viên giúp đỡ các em.

Là nhà văn trẻ được đánh giá cao hiện nay, chia sẻ tại tọa đàm, nhà văn Phát Dương bày tỏ những trăn trở về chuyện người viết trẻ phải đương đầu giữa sáng tác và “cơm áo gạo tiền”. Phát Dương cũng băn khoăn việc, liệu lời khen có “giết chết” tác giả trẻ hay không khi lời khen đôi khi trở thành áp lực. Người viết trẻ trước những lời khen đòi hỏi phải có tác phẩm nhiều hơn, tốt hơn, trong khi, việc sáng tác văn chương còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là cảm xúc, có thời gian và những khoảng lắng. Nhà văn Phát Dương cho rằng, nhà văn ngoài tài năng còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nên chỉ cần không bỏ cuộc là đã thành công.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết