11/02/2008 - 22:02

Đào tạo bác sĩ gia đình

Triển vọng mới trong đào tạo y khoa

Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ là 1 trong 5 trường y trên cả nước tham gia đào tạo chuyên khoa I Bác sĩ gia đình. Mục tiêu của chương trình là đào tạo những bác sĩ gia đình có khả năng thực hành tốt trên nhiều lĩnh vực chuyên khoa để có thể chăm sóc toàn diện sức khỏe cộng đồng.

Đào tạo bác sĩ đa năng

Bác sĩ gia đình là chương trình đào tạo sau đại học dành cho những bác sĩ đang công tác tại cơ sở y tế của tất cả các tuyến. Thời gian đào tạo là 2 năm. Khác với các chương trình chuyên khoa sau đại học chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp như: nội, ngoại, sản, nhi..., chương trình đào tạo bác sĩ gia đình cung cấp cho học viên kiến thức của tất cả những lĩnh vực trên. Ngoài các môn chung, môn cơ sở ngành, các học viên còn được học và thực hành nhiều môn chuyên ngành như: cấp cứu, sức khỏe tâm thần, ung thư, lao và bệnh phổi, da liễu, chấn thương chỉnh hình..., với tỷ lệ giờ học thực hành nhiều hơn giờ học lý thuyết. 

  Học viên năm thứ 2, chuyên khoa Bác sĩ Gia đình đang khám bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Từ năm 2003 đến nay, Trường ĐHYD Cần Thơ đã đào tạo sau đại học chuyên ngành bác sĩ gia đình và đã có 3 khóa ra trường, với 56 học viên. Trong đó có 36 học viên ở khóa đầu tiên, trường liên kết đào tạo với Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, trường đang đào tạo 2 khóa, với 19 học viên. Theo bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy, Trưởng Bộ môn Y học Gia đình, Trường ĐHYD Cần Thơ, Bác sĩ gia đình là chương trình đào tạo khá mới. Mục tiêu của chương trình là nâng cao kỹ năng thực hành cho các bác sĩ đa khoa. Những học viên theo học chương trình này có khả năng hướng dẫn phòng bệnh, khám, chẩn đoán và điều trị đa khoa tại cộng đồng dân cư. Bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy nói: “Bác sĩ gia đình là người có khả năng theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của một người, một gia đình để có thể tư vấn các vấn đề sức khỏe. Ở bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ gia đình có thể làm bác sĩ đa khoa rất tốt. Chương trình đào tạo bác sĩ gia đình không đi quá sâu vào từng lĩnh vực như các chuyên khoa hẹp mà đảm bảo sau khi tốt nghiệp, học viên có khả năng thực hành đa khoa để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân”.

Theo tiến sĩ Phạm Hùng Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYD Cần Thơ, Bác sĩ y học gia đình là ngành đào tạo chuyên khoa cấp I đầu tiên của trường. Trước khi mở ngành này, trường đã khảo sát và nhận thấy thực tế các địa phương có nhu cầu về đội ngũ bác sĩ gia đình. Trên cơ sở đó, Trường ĐHYD Cần Thơ chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ. Trung tâm Bác sĩ Gia đình ở Maine (Hoa Kỳ) đã hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo cán bộ giảng dạy, xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy, kinh phí hoạt động... Tiến sĩ Phạm Hùng Lực nói: “Qua khảo sát những học viên đã ra trường, chúng tôi nhận thấy, các em làm rất tốt việc khám và điều trị bệnh cũng như theo dõi, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn lo lắng khi hiện nay Bộ Y tế chưa có chủ trương, chính sách rõ ràng về việc bố trí công việc cho Bác sĩ gia đình”.

Triển vọng mới

Hiện nay, ở Việt Nam có 5 trường đại học y đào tạo Bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học Gia đình, do Trung tâm Bác sĩ Gia đình ở Maine tài trợ, gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Huế và Đại học Y Dược Cần Thơ. Theo Bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy, Trưởng Bộ môn Y học Gia đình, Trường ĐHYD Cần Thơ, ở các nước phát triển, việc đào tạo Bác sĩ gia đình rất được chú trọng. Còn ở nước ta, đây là ngành mới nên nhiều người chưa biết, chưa hiểu đúng chức năng, ý nghĩa. Bác sĩ Thúy nói: “Thực tế, một số học viên, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa I Bác sĩ gia đình, trở lại đơn vị công tác chưa được bố trí đúng người, đúng việc. Vì thế, nhiều học viên đã ra trường hoặc đang học rất băn khoăn”.

Hiện nay, cơ sở vật chất, cán bộ giảng dạy của Trường ĐHYD Cần Thơ có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo chuyên khoa I Bác sĩ gia đình nhưng vẫn còn không ít khó khăn thách thức. Bộ môn Y học gia đình chỉ có 6 cán bộ giảng dạy; trong đó, chủ yếu là các cán bộ chuyên khoa, một số người chưa qua đào tạo về y học gia đình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy vẫn còn thiếu thốn. Bác sĩ Phan Hữu Thúy Nga, giảng viên Trường ĐHYD Cần Thơ, cho biết: “Bộ môn Y học gia đình vẫn chưa có văn phòng riêng; đặc biệt, vẫn chưa có Phòng khám y học gia đình đúng nguyên lý cho học viên thực tập. Hiện nay, trường phải gởi học viên thực hành tại các phòng khám của bệnh viện đa khoa tuyến thành phố và quận, huyện. Vì thế, việc thực tập gặp hạn chế, hoạt động thực tập chưa đúng qui cách, thời gian qui định”. Theo bác sĩ Thúy Nga, phòng khám y học gia đình phải đảm bảo đủ về hồ sơ lưu trữ, dụng cụ khám và điều trị bệnh..., bác sĩ phải có thời gian tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình. Trong khi đó, thời gian tiếp xúc giữa học viên và bệnh nhân tại một số phòng khám ở bệnh viện rất hạn chế.

* * *

Mặc dù còn một số khó khăn trong đào tạo cũng như phân công, phân nhiệm đối với học viên chuyên khoa I ngành Bác sĩ gia đình, nhưng tiến sĩ Phạm Hùng Lực nhận định: “Đây là ngành đào tạo rất cần thiết và trong tương lai, có khả năng sẽ phát triển rộng trên cả nước nếu được đầu tư đúng mức. Sắp tới, Trung tâm Bác sĩ Gia đình ở Maine sẽ hỗ trợ xây dựng, trang bị Trung tâm thực hành của bác sĩ gia đình ở Trường ĐHYD Cần Thơ. Cùng với sự ủng hộ của Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các trường bạn, Trường ĐHYD Cần Thơ sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tế; đưa cán bộ giảng dạy đi học về y học gia đình... Chúng tôi tin rằng sẽ khắc phục khó khăn để phát triển qui mô đào tạo chuyên khoa I Bác sĩ gia đình, đáp ứng nhu cầu của địa phương”.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết