14/02/2008 - 21:44

Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp TP Cần Thơ

Triển vọng mới

Một góc KCN Trà Nóc - Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Năm 2007, các khu công nghiệp (KCN) TP Cần Thơ thu hút gần 320 triệu USD vốn đầu tư, vượt 155% kế hoạch và tăng 51% so với năm 2006. Ngay trong tháng 1-2008, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (CKCX&CN) Cần Thơ đã trao 7 giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 96,5 triệu USD. Theo dự đoán của các ngành chức nang, năm nay khả năng thu hút đầu tư vào thành phố rất nhiều triển vọng...

Tín hiệu lạc quan

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong 20 năm (1987- 2007) tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trên 312 triệu USD, với 71 dự án đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến cuối năm 2007, có 46 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, trong số đó 21 dự án đầu tư vào các KCN. Giai đoạn 2000- 2007, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng từ 0,77 đến 9,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế của thành phố.

TP Cần Thơ hiện có 5 KCN tập trung, riêng tháng 1- 2008 các KCN thu hút thêm 7 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 96,5 triệu USD, đạt 16% kế hoạch cả năm. Đại diện Nhà máy Cần Thơ- PepsiCo. Việt Nam vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Trà Nóc II trong tháng 1-2008. Ông Chandrashekhar Arvind Mundlay, Giám đốc kinh doanh PepsiCo. Việt Nam, cho biết: “Việc xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát tại TP Cần Thơ là một bước tiến quan trọng cho việc mở rộng kinh doanh của Pepsi ở Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp cho người tiêu dùng Cần Thơ những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Rất mong lãnh đạo thành phố tạo điều kiện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để nhà máy chính thức hoạt động vào cuối năm 2008”.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN cũng đã mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: Công ty cổ phần chế biến thủy sản Bình An thuê thêm 5 ha đất xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, sản xuất hàng giá trị gia tăng, kho lạnh (tổng vốn đăng ký 36,5 triệu USD); Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam thuê thêm 3 ha đất đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (vốn 19,3 triệu USD); Công ty TNHH XNK Thiên Mã đầu tư thêm nhà máy chế biến thủy sản với số vốn trên 10,6 triệu USD...

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý CKCX&CN Cần Thơ, cho biết: “Ban quản lý CKCX&CN Cần Thơ đang đàm phán với một số doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nếu không có gì thay đổi, tháng 2- 2008, các KCN sẽ đón thêm 5 dự án mới, trong đó có một dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với tiến độ này, kế hoạch thu hút nguồn vốn đầu tư 600- 700 triệu USD trong năm 2008 sẽ rất khả thi”.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina), cho biết: “Công ty quyết định đầu tư thêm nhà máy chế biến thức ăn thủy sản ở KCN Trà Nóc II để vừa tận dụng nguồn phụ phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản, vừa cung cấp thức ăn cho vùng nguyên liệu. Nhà máy này có khả năng cung cấp 500 tấn thức ăn thủy sản thành phẩm/ngày, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 2-2008 và đầu năm 2009 sẽ chính thức hoạt động”. Theo ông Quang, môi trường kinh doanh ở TP Cần Thơ gần đây đã cải thiện đáng kể, doanh nghiệp được chính quyền thành phố tạo nhiều thuận lợi trong việc nhập dây chuyền sản xuất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Hiện tại, nhà máy chế biến thủy sản của South Vina đã nâng công suất chế biến từ 100 tấn lên 200 tấn/ngày.

Đến nay, các KCN có 157 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 883 triệu USD, trong đó 24 dự án FDI (chiếm 31% tổng vốn đăng ký vào KCN). Hiện có 79/146 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (116/157 dự án), trong đó 14 doanh nghiệp FDI. Tổng doanh thu trong năm 2007 khoảng 975 triệu USD, xuất khẩu đạt 300 triệu USD, tăng 33% so với năm trước. Doanh nghiệp trong KCN hoạt động có doanh thu và giá trị xuất khẩu đều tăng, khẳng định vai trò “đòn bẩy” trong tiến trình công nghiệp hóa của thành phố.

Năm 2008: Chuyển biến lớn

Mặc dù kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN thành phố có bước phát triển vượt bậc, nhưng vốn thực hiện chỉ chiếm khoảng 35% (308 triệu USD) trên tổng vốn đăng ký. Mặt khác, qui mô dự án nhỏ, bình quân một dự án FDI vốn đầu tư mới khoảng 8,6 triệu USD. Trong 5 KCN chỉ có KCN Trà Nóc I đã lấp đầy diện tích 135 ha, KCN Trà Nóc II (165 ha) cho thuê hơn 106 ha. Còn KCN Hưng Phú I (262 ha) nhưng giải tỏa đền bù mới được 35 ha và cho thuê lại gần 17 ha; KCN Hưng Phú II (212 ha) giải tỏa được 29 ha, diện tích cho thuê lại 8 ha... Thêm vào đó, các KCN vẫn chưa xây dựng được nhà máy xử lý nước thải tập trung, do không có vốn, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này không khả thi. Trong khi vốn ngân sách chưa được bố trí và đang kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý CKCX&CN Cần Thơ: “Năm 2008, ngân sách thành phố không còn hỗ trợ cho công tác bồi hoàn giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng, nên giá cho thuê lại đất của các KCN phải nâng lên rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút đầu tư vào KCN”. Mặt khác, cầu Trà Nóc là cửa ngõ quan trọng vào KCN, nhưng đã xuống cấp và chỉ cho xe có tải trọng không quá 20 tấn đi qua, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Song song đó, việc giải tỏa bồi hoàn theo phương thức doanh nghiệp thuê đất đến đâu, giải tỏa đến đó luôn bị động, công tác tái định cư đang gặp khó khăn do giá đất ngày càng tăng, nhà ở cho công nhân còn nhiều bất cập... cũng là những vướng mắc cần được tháo gỡ.

TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và thành phố công nghiệp vào năm 2020. Thành phố đang tập trung nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư. Trong năm 2008, tổng mức đầu tư toàn thành phố khoảng 15.000- 15.500 tỉ đồng, tăng trên 29% so với năm 2007. Đây là tiền đề đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2008, các KCN thành phố đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 800 triệu đến 1 tỉ USD giá trị sản lượng công nghiệp, xuất khẩu khoảng 500 triệu USD, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động và nộp các loại thuế 1.200 -1.500 tỉ đồng. Với tổng mức đầu tư toàn thành phố năm 2008 tăng 29% so với năm trước, việc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước đang được đẩy mạnh, thu hút đầu tư vào các KCN TP Cần Thơ sẽ có chuyển biến lớn.

Hiện tại, một số dự án đầu tư vào các KCN Cần Thơ đã cơ bản được chấp thuận về mặt chủ trương, như nhà máy lọc dầu, luyện cán thép... Ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Viễn Đông, đơn vị liên doanh với Công ty SEMTECHLIMITED B.V.I (Hoa Kỳ), cho biết: “Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cần Thơ đã được Chính phủ và các bộ ngành, lãnh đạo TP Cần Thơ chấp thuận về chủ trương, với công suất thiết kế 2 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư 360 triệu USD, công ty góp 30% vốn, còn lại của phía Hoa Kỳ. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo ra doanh thu khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 1.000 nguời”. Hay thành phố đã thống nhất chủ trương cho Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) thuê đất trong KCN Ô Môn để xây dựng nhà máy luyện cán thép, tổng mức đầu tư 300 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Năm 2008 sẽ mở ra nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư vào thành phố. Hiện nay, một số dự án đang chờ phê duyệt và nhiều nhà đầu tư đã đến thành phố để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Năm nay, cầu Cần Thơ, sân bay Trà Nóc cơ bản hoàn thành, Cảng Cái Cui đang triển khai giai đoạn II... đây là điều kiện rất cần thiết khi doanh nghiệp lựa chọn điểm đầu tư. Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính của thành phố đang được doanh nghiệp đồng tình. Sắp tới, công tác này sẽ được đẩy mạnh, nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thông thoáng cho doanh nghiệp”.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết