19/04/2021 - 09:14

Triển vọng dừa hữu cơ 

Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất nước, tuy nhiên giá cả bấp bênh, dịch hại bùng phát từng khiến người trồng dừa gặp nhiều khó khăn, một số nông hộ phải phá bỏ vườn dừa để chuyển sang loại cây trồng khác. Do đó, việc xây dựng mô hình để cây dừa phát triển bền vững đang là việc làm cấp thiết.

Chế biến dừa là một trong những ngành công nghiệp chủ lực ở Bến Tre.

Liên kết bao tiêu sản phẩm

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã vận động bà con nông dân chuyển đổi sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, có liên kết bao tiêu sản phẩm khá thành công. Tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, nơi có trên 1.150ha dừa, đã có 175 hộ dân tham gia sản xuất dừa theo quy trình hữu cơ với diện tích hơn 190ha.

Ông Phạm Quang Ðằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, cho biết: “Mỗi chục dừa (12 trái) giá thị trường khoảng 72.000 đồng nhưng dừa hữu cơ được công ty mua 90.000 đồng, cao hơn từ 10-15%, tùy thời điểm. Với mức giá hấp dẫn như vậy, sắp tới HTX sẽ vận động thành viên và bà con xung quanh tiến hành nhân rộng mô hình sản xuất dừa hữu cơ có liên kết bao tiêu”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh và dừa là cây trồng có diện tích sản xuất hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Hiện tổng diện tích sản xuất dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, EU đạt trên 10.500ha, trong đó diện tích được chứng nhận đạt gần 5.200ha và diện tích đang chuyển đổi trên 5.300ha.

Sau 3 năm chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hầu hết các vườn dừa đều cho năng suất tốt, giúp nông dân trồng dừa an tâm sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đã có 9 doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu dừa hữu cơ. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng triển khai kế hoạch đến các HTX. Ý thức của người dân trong việc tự nguyện tham gia vào hoạt động liên kết sản xuất được nâng cao sẽ bảo đảm tính bền vững trong liên kết chuỗi.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đã tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ, kỹ thuật thâm canh dừa uống nước cho gần 1.400 lượt nông dân là thành viên của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức 20 lớp tập huấn thực hành sản xuất phân hữu cơ cho gần 600 nông dân trồng dừa hữu cơ. Cùng với đó, thực hiện trên 100 cuộc tư vấn chăm sóc dừa sau hạn mặn, trồng dừa hữu cơ.

Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre, cho biết: “Năm 2020, diện tích vườn dừa chuyển đổi và đạt chứng nhận hữu cơ tăng nhiều so với năm 2019. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chi phí thực hiện chứng nhận như: sổ ghi chép, tài liệu, kiểm tra giám sát… và chi phí chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ xây dựng những vườn dừa hữu cơ mẫu để nông dân trong vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm”.

Cần quy trình chuẩn về hữu cơ

Bên cạnh thuận lợi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Bến Tre đang tồn tại nhiều khó khăn, nhất là kiến thức và nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cũng chưa có chính sách riêng về phát triển sản xuất hữu cơ nên chưa thật sự thu hút các chủ thể tham gia sản xuất. Thời gian cho việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ khá lâu, chi phí đầu tư sản xuất cao do đó nông dân chưa mạnh dạn tham gia, vấn đề dịch sâu đầu đen cũng là nỗi lo lớn đối với các vườn dừa hữu cơ tại Bến Tre.

Ông Huỳnh Quang Ðức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản xuất hữu cơ trong cộng đồng; quy hoạch lại sản xuất, nơi nào làm hữu cơ thì chú ý tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Vấn đề quan trọng là liên kết với doanh nghiệp giúp sản phẩm hữu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, từ đó tạo giá trị tăng thêm, thu hút người dân. Song song đó là đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật sản xuất hữu cơ, nhất là tư vấn, xây dựng địa bàn, quy trình chuẩn về hữu cơ phù hợp với những điều kiện có thể áp dụng nhân rộng.

“Trong giai đoạn đầu, cần có những mô hình hiệu quả để người dân học tập và làm theo. Bộ NN&PTNT cần tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ ngành nông nghiệp về tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Trên cơ sở đó, cán bộ đào tạo sẽ thực hiện tuyên truyền sâu, rộng và áp dụng vào thực tiễn. Ðồng thời, kiến nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tìm nhiều thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ và trên nhiều chủng loại của sản phẩm nông nghiệp” - ông Huỳnh Quang Ðức nói.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, tỉnh hiện có hơn 72.700ha dừa, sản lượng mỗi năm trên 630 triệu trái; trong đó dừa công nghiệp (nguyên liệu chế biến) chiếm 80-85% và dừa tươi uống nước khoảng 15-20%. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2020 đạt khoảng 5.880 tỉ đồng, chiếm 17,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cây dừa Bến Tre với 208 sản phẩm chế biến có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ nên được xem là cây trồng cho ra nhiều sản phẩm chế biến nhất cả nước hiện nay.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh Bến Tre xây dựng quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình dừa hữu cơ thí điểm theo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để nhân rộng ra các địa phương khác.

Bài, ảnh: BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết