13/02/2020 - 23:25

Triển khai biện pháp phù hợp ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn 

Theo các nhà khoa học, tại ĐBSCL, hạn hán ngày càng hiện hữu ở các con sông, kênh, rạch; xâm nhập mặn (XNM) đang lấn sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã và đang chủ động ứng phó, triển khai các biện pháp thích ứng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương…

Khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn

Công trình nạo vét, khai thông dòng chảy được tăng cường thực hiện ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, những ngày đầu tháng 2-2020, lượng nước sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016. Đồng thời ngay thời điểm này kết hợp với kỳ triều cường rằm tháng Giêng âm lịch và hoạt động của gió mùa Đông Bắc liên tục tăng cường làm cho độ mặn trên các sông miền Tây Nam bộ lên cao và xâm nhập sâu. Tại TP Cần Thơ, trên sông Hậu, độ mặn 3,5%o xâm nhập đến rạch Cái Cui (điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng vào lúc 7 giờ sáng 10-2-2020) và xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu thuộc địa bàn quận Cái Răng.

Ông Nguyễn Văn Hải, ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, cho biết: “Nắng nóng kéo dài, mực nước trên sông rạch ngày càng xuống thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kinh nghiệm của tôi, với tình trạng này, khô hạn, XNM sẽ kéo dài, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Người dân cần thận trọng hơn khi lấy nước vào kênh, mương để tưới tiêu, tránh lấy nhầm nước nhiễm mặn…”.

 Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nguồn nước ngọt mùa khô đầu năm 2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2-2020 thấp hơn so với trung bình và năm 2016. Nguyên nhân do ảnh hưởng của việc giảm xả từ đập thủy điện Trung Quốc, nguồn nước về thấp ngay vào đầu và giữa tháng 2 này. Chính vì vậy, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2-2020. Thời điểm này 3 nguồn nước cho các vùng ĐBSCL rất thấp. Vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, mực nước xuống thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre mặn sẽ tăng. Do đó cần tranh thủ tích thêm nước ngọt để đề phòng XNM sâu hơn sau ngày 14-2-2020. Các địa phương cần chủ động các biện pháp chống hạn mặn và tích trữ nước.

Cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến nay, khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử là rất lớn. Hiện Thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, nguy cơ hạn mặn cao trong tháng 2, tháng 3 là rất lớn, các địa phương tranh thủ vận hành hệ thống công trình hợp lý; tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về; tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến nguồn nước…

Giải pháp cấp bách

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: “Ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, đồng thời sử dụng tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước cho người dân. Không để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân do thiếu nước; hỗ trợ thiết bị lọc nước, chứa nước, sử dụng các phương tiện lưu động chuyên chở nước cung cấp cho người dân nếu cần thiết...”.

Hướng XNM vào TP Cần Thơ chủ yếu theo từ sông Hậu, do thủy triều đẩy mặn từ biển vào. Mặn chủ yếu xuất hiện trong các đợt triều cường và ảnh hưởng đến các quận, huyện có vị trí địa lý nằm cặp theo sông Hậu (giáp với tỉnh Hậu Giang) như quận Cái Răng… Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM mùa khô năm 2020 trên địa bàn thành phố, UBND TP Cần Thơ đề nghị các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện và Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn các cấp tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo XNM tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng XNM để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt một cách phù hợp nhất. Bởi, từ nay đến ngày 15 và 16-2-2020 tình hình XNM trên sông Hậu (đoạn giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc địa bàn quận Cái Răng) vẫn duy trì ở mức cao vào các thời điểm triều cường lên cao (độ mặn dao động ở mức 3%o). Do đó, quận Cái Răng thông tin đến người dân không lấy nước vào sản xuất lúc triều lên (lúc nước lớn), chỉ lấy nước vào lúc nước ròng, thấp để không bị ảnh hưởng XNM.

Các địa phương tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM phù hợp với thực tiễn nguồn nước, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng đảm bảo cấp nước, tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp (chuyển đổi từ trồng lúa ở vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn); rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không đảm bảo cung cấp trong suốt thời gian sản xuất; tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, XNM.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Sở đã triển khai các biện pháp chủ động lấy nước: nạo vét cửa lấy nước tại các trạm bơm, cống, kênh mương; chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, XNM; vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Hiện nay, thành phố có 2 hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và khép kín: hệ thống thủy lợi Ô Môn- Xà No và dự án đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Hai hệ thống công trình thủy lợi này sẽ được thực hiện đóng mở cống linh hoạt đảm bảo không để XNM vào khu vực sản xuất... Các quận, huyện chủ động thực hiện nạo vét hệ thông kênh mương bị bồi lắng, dọn cỏ, chỉ đạo tháo dỡ chà nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo khai thông dòng chảy tạo nguồn và đảm bảo dòng chảy được thông thoáng đủ nước bơm tưới khi khô hạn để phục vụ cấp nước cho sản xuất…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết