(CTO) - Ghi nhận tại các bệnh viện (BV) có chuyên khoa nhi trên địa bàn TP Cần Thơ, tình trạng trẻ mắc cảm cúm vẫn đang được kiểm soát, chưa có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo đến phụ huynh có con nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, cần chủ động phòng bệnh. Đồng thời, nhận biết các dấu hiệu nghiêm trọng khi trẻ nhiễm cúm để đưa ngay đến BV cho bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
![Trẻ mắc cúm cần đưa ngay đến bệnh viện](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250211/images/IMG_8939.webp)
BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh thăm khám cho trẻ.
Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 10-2, tình hình dịch cúm tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các ca mắc cúm A; tuy nhiên, chưa ghi nhận sự thay đổi về độc lực của virus.
BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, BV chưa có thống kê cụ thể về cúm A. Nhìn chung với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp (bao gồm nhiễm siêu vi và nhiễm khuẩn hô hấp trên), trong tháng 1-2025, lượng bệnh không tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số nhập viện tăng gần 67% so với cùng kỳ. Những số liệu này cảnh báo cúm mùa ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và theo dõi sức khỏe của trẻ rất quan trọng.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, phổ biến vào mùa đông - xuân; lây truyền qua giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Bệnh có 4 chủng virus cúm chính: A, B, C, D. Ở Việt Nam, các virus cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B. Các triệu chứng phổ biến của cúm gồm đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.
![Trẻ mắc cúm cần đưa ngay đến bệnh viện](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250211/images/CUM.webp)
Theo BS Trương Cẩm Trinh, cúm A có triệu chứng khá giống với các bệnh nhiễm virus đường hô hấp khác, nên để xác định chính xác, cần kết hợp triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán. Bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch. Các biến chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát; làm trầm trọng hơn tình trạng của trẻ mắc bệnh nền, tăng nguy cơ tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine ngừa cúm cho trẻ là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm và tiêm nhắc lại hằng năm. Bên cạnh liệu pháp vaccine, theo BS CKII Thạch Thị Ngọc Yến, Phó trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ, để chủ động phòng ngừa cúm cho trẻ, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp như: Nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý. Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh môi trường, tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi và các nguồn ô nhiễm cũng rất quan trọng. Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ như che miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người và tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Khi ra ngoài, đặc biệt trong mùa dịch, nên đeo khẩu trang cho trẻ. Đặc biệt, việc tiêm phòng cúm đầy đủ và đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm.
![Trẻ mắc cúm cần đưa ngay đến bệnh viện](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250211/images/IMG_8937.webp)
Khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ cũng tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp.
Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi sát sao các dấu hiệu bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện nặng. Các trường hợp cần nhập viện bao gồm: Sốt cao liên tục ≥ 39°C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc có co giật, nôn ói tất cả mọi thứ đã ăn hoặc biếng ăn rõ rệt, quấy khóc nhiều, li bì hoặc có dấu hiệu co giật. Các dấu hiệu mất nước như môi miệng khô, khóc không ra nước mắt, nước tiểu ít và vàng đậm cũng là dấu hiệu cảnh báo. Ngoài ra, nếu trẻ khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái hoặc có biểu hiện da xanh tái và mệt mỏi cần được đưa đến BV ngay để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
THU SƯƠNG