13/06/2021 - 17:27

Trẻ béo phì liên quan quan niệm cha mẹ thích con bụ bẫm 

(CT) - Công bố của Bộ Y tế về kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy, tỷ lệ trẻ em tuổi học đường (từ 5-19 tuổi) bị thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong 10 năm, tình trạng trẻ béo phì tăng nhanh đáng ngại, với tỷ lệ hơn gấp đôi. Trẻ thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao ở khu vực thành thị, với 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Ðáng lo ngại, có 4/10 trẻ em tiểu học ở thành thị bị béo phì, xuất phát từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Bác sĩ chuyên khoa nhi, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thăm khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ.

Theo các chuyên gia, tình trạng béo phì ở trẻ khó khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, tâm lý của trẻ mà kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ. Thừa cân nhiều gây rối loạn hệ cơ xương, làm yếu hệ miễn dịch.

Một số khảo sát ghi nhận, tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ liên quan đến quan điểm của các bậc cha mẹ về hình thể của con. Ông bà, cha mẹ thường thích con bụ bẫm từ nhỏ, dẫn đến trẻ thừa cân tiếp diễn rồi béo phì. Từ việc nhận định không chuẩn xác về hình thể của con, khiến phụ huynh áp dụng sai lối sống, với chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, ít vận động.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nuôi con nhỏ cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, khuyến khích con tăng cường vận động, tập luyện thể dục, thể thao. Cần theo dõi, thăm khám và đặc biệt là không chủ quan khi con có dấu hiệu thừa cân. Ngoài ra, tăng cường giáo dục cho trẻ về hậu quả của thừa cân, béo phì và tầm quan trọng của vận động. Ðồng thời, nhà trường và xã hội có vai trò quan trọng để khuyến khích trẻ tăng cường vận động, cải thiện bữa ăn cho trẻ trong học đường.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết