06/10/2022 - 20:49

Tranh cãi nguyên nhân gây bất ổn bán đảo Triều Tiên 

MAI QUYÊN (Theo AP, Nikkei)

Mỹ và đồng minh tiếp tục tăng cường thế trận giám sát sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) hướng về phía Nhật Bản sáng 6-10.

Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc xác định khu vực phóng nằm ở Samsok, thủ đô Bình Nhưỡng và hai vụ tiến hành cách nhau 22 phút. Trước khi rơi xuống giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, tên lửa đầu tiên bay được 350km và đạt độ cao tối đa 80km, trong khi tên lửa thứ 2 bay 800km ở độ cao 60km. Ðánh giá của Nhật Bản do Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada công bố còn lưu ý, tên lửa thứ 2 được phóng theo “quỹ đạo bất thường”. Ðây là thuật ngữ chỉ các đặc tính bay của vũ khí Triều Tiên mô phỏng theo tên lửa Iskander của Nga, đó là bay ở quỹ đạo thấp và thiết kế cơ động để tăng khả năng tránh hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo Hãng tin Reuters, nhiều SRBM gần đây của Triều Tiên được phát triển với những đặc tính trên, cho thấy Bình Nhưỡng liên tục cải tiến công nghệ tên lửa giữa thời điểm quốc tế tập trung vào khủng hoảng Ukraine và căng thẳng ở eo biển Ðài Loan.

HĐBA nhóm họp ngày 5-10. Ảnh: Reuters

Triều Tiên cáo buộc Mỹ

Vụ phóng được thực hiện hai ngày sau khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chỉ trích Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa là hành động “không thể chấp nhận”. Tuyên bố của Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Mỹ cũng lên án chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là tác nhân “gây mất ổn định” khu vực. Về phần Hàn Quốc, quân đội nước này cho biết đã tăng cường thế trận giám sát và nâng cao sự sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ cũng như Nhật Bản.

Các vụ phóng ngày 6-10 được tiến hành sau khi Lầu Năm Góc tái triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tới vùng biển phía Ðông Hàn Quốc và vài giờ sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ) về vụ phóng tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng. Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, sự trở lại của tàu sân bay Mỹ đặt ra “mối đe dọa nghiêm trọng” cho ổn định trên bán đảo Triều Tiên và các vùng lân cận. Bộ này đồng thời lên án nỗ lực do Washington dẫn đầu tại HÐBA nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng liên quan vụ thử tên lửa mà Triều Tiên coi là “phản ứng chính đáng” trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Mỹ đổ lỗi Nga - Trung Quốc

Liên minh Mỹ - Hàn trong khuôn khổ tập trận chung cách đây vài ngày đã diễn tập ném bom và phóng tên lửa như đòn trả đũa đợt thử vũ khí thứ 5 của Triều Tiên trong vòng 10 ngày. Mỹ cũng tiến hành tập trận trên biển với Nhật Bản. Trong động thái tăng cường phô trương lực lượng quân sự ở khu vực, Washington và đồng minh tuần này tiếp tục khởi động cuộc tập trận 3 bên. Theo các nhà phân tích, diễn biến trên cùng chiến lược tái triển khai tàu Ronald Reagan phản ánh quan điểm của Mỹ về các khuôn khổ quốc tế hiện có đang bị hạn chế trong ngăn chặn hành động khiêu khích từ Triều Tiên.

Ðược biết, phiên họp khẩn của HÐBA ngày 5-10 kết thúc mà không có thỏa thuận nào về các bước tiếp theo, bất chấp cảnh báo của Washington và đồng minh rằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên làm “suy yếu” quyền lực của LHQ. Ðặc biệt, Ðại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield trong phiên họp không đề cập trực tiếp Nga và Trung Quốc nhưng cáo buộc có hai thành viên trong HÐBA luôn “tạo điều kiện” cho các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại từ Triều Tiên bằng cách “biện minh và chặn mọi nỗ lực trừng phạt Bình Nhưỡng”. Ðáp lại, Phó Ðại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng nói rằng Mỹ mới là bên gây ra căng thẳng khi “đầu độc” môi trường an ninh khu vực thông qua việc tăng cường các liên minh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương và gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự hạt nhân. Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ với tuyên bố của Phó Ðại sứ nước này tại LHQ Anna Evstigneeva, rằng các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng rõ ràng là “phản ứng trước các hoạt động quân sự đối đầu thiển cận của Mỹ”.

Nhìn chung, sau vấn đề Ukraine, giới phân tích cho rằng việc LHQ bế tắc trong cách xử lý các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thể gia tăng sự chia rẽ hơn nữa giữa một bên là Mỹ và đồng minh với bên còn lại là Trung Quốc và Nga. Tình hình này đồng thời tạo cơ hội để Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử vũ khí cho đến khi hoàn tất quá trình hiện đại hóa quân sự, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu của Triều Tiên là giành được sự công nhận trở thành quốc gia hạt nhân hợp pháp, từ đó tháo dỡ trừng phạt nhằm vào nước này.

Chia sẻ bài viết