24/02/2011 - 22:03

TP Cần Thơ quy hoạch phát triển nông nghiệp

Ngày 18-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai các quy hoạch của ngành nông nghiệp. Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị loại 1), định hướng sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ đã có nhiều thay đổi so với trước, nhất là trước tình hình đất nông nghiệp ngày càng giảm nhường chỗ cho công nghiệp, thương mại-dịch vụ phát triển.

TÍCH CỰC TRIỂN KHAI QUY HOẠCH NGÀNH

TP Cần Thơ hiện có trên 70% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, tới đây thành phố tập trung sản xuất lúa giống cung cấp cho nhu cầu các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành nông nghiệp kiểm tra lúa đông xuân 2010- 2011.  

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, ngành nông nghiệp thành phố đã tiến hành thực hiện công tác quy hoạch bao gồm: quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 và quy hoạch các phân ngành (thủy sản, rau màu, hạ tầng thủy lợi...) và các quy hoạch khác. Đến nay, một số quy hoạch đã được phê duyệt, một số đang định hướng lập quy hoạch... Đồng thời, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt...”.

Hội nghị lần này, Sở NN&PTNT thành phố đã rà soát và triển khai các quy hoạch như: quy hoạch NN&PTNT; quy hoạch phòng chống sạt lở các sông, rạch; quy hoạch ngành nghề nông thôn; quy hoạch vành đai thực phẩm; quy hoạch thủy sản. Đồng thời, ngành nông nghiệp thành phố định hướng lập các quy hoạch như: quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp; quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch bố trí dân cư...

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tăng trưởng kinh tế của thành phố 5 năm qua đạt 15,13%, trong đó nông nghiệp – thủy sản tăng 1,45%. Còn trong cơ cấu kinh tế của thành phố, đóng góp của ngành nông nghiệp-thủy sản trong 5 năm qua cũng chuyển dịch theo xu hướng giảm dần, nếu như năm 2006 chiếm 17,05% thì đến năm 2010 chỉ còn 10,61%. Có thể nói ngành nông nghiệp-thủy sản có mức tăng trưởng thấp cũng như đóng góp vào cơ cấu kinh tế thành phố ngày càng giảm do thành phố đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ, một phần đất nông nghiệp giảm dần do quá trình đô thị hóa; tình hình nuôi trồng thủy sản của thành phố những năm gần đây cũng gặp khó khăn...

TẬP TRUNG 2 CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Để định hướng phát triển ngành trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa mạnh, quy mô lớn, trình độ cao, bền vững, ứng dụng nhanh và kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ; đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 6-6,5%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp ngành trồng trọt chiếm 60%, chăn nuôi 25% và dịch vụ 15%; giá trị sản lượng trên 1ha đất nông nghiệp đạt bình quân từ 60 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2020 gấp 2,2 lần năm 2010... Nhằm triển khai thực hiện đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành nông nghiệp tập trung vào 2 chương trình trọng điểm là: phát triển Vành đai thực phẩm và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tập trung phát triển diện tích rau màu đô thị. 

Ngành nông nghiệp thành phố định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao như sau: phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng kỹ thuật-công nghệ cao về cả chiều rộng lẫn chiều sâu; trong đó có xây dựng và triển khai các khu nông nghiệp công nghệ cao, các trại giống công nghệ cao, để làm hạt nhân phát triển nhân rộng trên toàn địa bàn sản xuất nông nghiệp của thành phố và phục vụ du lịch sinh thái. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và mở rộng liên kết trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước) ở các khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố, tiến tới hình thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng ĐBSCL và quốc gia.

Quy hoạch chi tiết Vành đai thực phẩm TP Cần Thơ có hiệu lực đến năm 2020 cũng đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt (tại Quyết định số 3382/QĐ-UBND ngày 8-12-2010) và Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đang tích cực triển khai thực hiện quy hoạch này. Theo đó, thành phố hình thành 4 tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị. Cụ thể gồm: tiểu vùng nông nghiệp sinh thái cù lao (cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu) phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp nhà-vườn (cây ăn trái, rau, hoa, sinh vật cảnh), nhà-vườn-ao gắn với hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng. Tận dụng các bãi bồi ven cồn phát triển mô hình nuôi cá tra công nghiệp phục vụ xuất khẩu; giảm số bè nuôi trên sông Hậu, hình thành các điểm nuôi bè tập trung (làng bè) với mật độ phù hợp để kiểm soát dịch bệnh và môi trường; xây dựng trại giống thủy sản tại cù lao Tân Lộc có quy mô 10 ha. Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị mới (Thốt Nốt - Ô Môn) kết hợp giữa đầu tư thâm canh các mô hình sản xuất trên các vùng đất nông nghiệp ổn định lâu dài, hình thành vùng trồng rau, hoa, cây cảnh có quy mô 400-500ha, vùng lúa-màu và lúa-cá/tôm càng xanh, phát triển các mảng cây xanh (công viên, lâm viên)... Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị khu trung tâm (Bình Thủy - Ninh Kiều - Cái Răng) khai thác có hiệu quả quỹ đất trong các dự án trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với tiến độ thu hồi đất, phát triển mô hình nhà-vườn trong các khu quy hoạch nhà ở đô thị mật độ thấp; các mảng xanh đô thị, cây xanh ven đường, ven sông, rạch... Và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị miệt vườn (Phong Điền-Thới Lai) hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung gắn với du lịch miệt vườn, du lịch sông nước với quy mô 6.000ha, xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn có quy mô 200-300ha, vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản và xây dựng trạm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố còn quy hoạch phát triển các ngành sản xuất như: sản xuất lúa, rau và đậu, hoa và cây kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc và gia cầm, nuôi trồng thủy sản...

Góp ý về phát triển nông nghiệp thành phố, Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: Là thành phố trực thuộc Trung ương đất nông nghiệp mất dần nên thành phố cần phải quan tâm phát triển nông nghiệp hơn nữa, đáp ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến. Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất con và cây giống cung cấp cho vùng ĐBSCL, nhằm tăng giá trị ngành nông nghiệp là phù hợp với TP Cần Thơ, thành phố đóng vai trò trung tâm vùng ĐBSCL...

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, lưu ý: Để triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, Sở NN&PTNT cần tiếp tục cung cấp đầy đủ những thông tin về các quy hoạch của ngành cho các ngành hữu quan thành phố và các quận, huyện; tổ chức triển khai quy hoạch của ngành nông nghiệp tới từng địa phương, tận các phường, xã, thị trấn. Các quận, huyện bám sát định hướng phát triển ngành nông nghiệp thành phố để quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của địa phương; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết