26/08/2008 - 07:56

Tổng thống Arroyo "tiến thoái lưỡng nan"

Quân đội Philippines tấn công phiến quân ở Mindanao. Ảnh: AFP

Các cuộc đọ súng giữa quân đội Philippines với các tay súng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) tiếp tục diễn ra dữ dội trên đảo Mindanao ở miền Nam vào cuối tuần qua. Sau 4 ngày xung đột, đã có hơn 100 tay súng MILF thiệt mạng và khoảng 90.000 người phải di tản (chưa có thống kê về số thương vong của quân đội chính phủ). Tình hình cho thấy cho hy vọng nối lại đàm phán hòa bình là hết sức khó khăn, và đặt Tổng thống Gloria Arroyo vào thế khó xử: liệu có nên “cứu” tiến trình hòa bình, hoặc bỏ mặc tiến trình này và giải quyết lực lượng ly khai bằng biện pháp cứng rắn như người tiền nhiệm Joseph Estrada từng làm?

3 tuần trước, chính phủ của Tổng thống Arroyo đã chuẩn bị sẵn sàng để ký thỏa thuận hòa bình, trong đó nhượng lại một phần Mindanao cho MILF, tổ chức ly khai đòi thiết lập khu vực tự trị cho người Hồi giáo ở đây nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, việc ký kết bị đổ vỡ sau khi các quan chức ở các tỉnh có đa số người theo Thiên chúa giáo do sợ mất quyền lợi nên phản đối lên Tòa án Tối cao, và Tòa án Tối cao quyết định xem xét lại tính pháp lý của thỏa thuận này. MILF lập tức phản ứng bằng cách tiến hành tấn công bạo lực, làm 33 người chết và hàng chục ngôi nhà bị cháy rụi trong hai ngày 18 và 19-8. Thủ lĩnh MILF Abdurahman Macapaar tuyên bố sẽ tiến hành “cuộc chiến tranh toàn diện” chống Chính phủ Philippines.

Trong trường hợp Tòa án Tối cao chấp nhận thỏa thuận hòa bình với MILF thì việc thực hiện cũng không dễ dàng gì. Phe ủng hộ Tổng thống Arroyo nói rằng thỏa thuận này chỉ có thể được thực hiện một khi Quốc hội sửa đổi hiến pháp và chuyển hệ thống chính quyền hiện nay sang mô hình liên bang. Thế nhưng, các đối thủ chính trị của bà Arroyo tại Thượng viện lẫn Hạ viện tuyên bố sẽ ngăn cản nỗ lực của bà vì 2 lý do: họ không muốn chia rẽ nền cộng hòa và họ không muốn cho bà cơ hội kéo dài nhiệm kỳ. Nhiều người hoài nghi thỏa thuận hòa bình chỉ là cái cớ để bà Arroyo sửa đổi hiến pháp nhằm kéo dài thời gian nắm quyền, vốn sẽ kết thúc vào năm 2010.

Nhưng cũng không dễ dàng cho Tổng thống Arroyo nếu quyết định “buông” thỏa thuận hòa bình với MILF. Mỹ muốn chấm dứt xung đột ở miền Nam Philippines, xem đó như một thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố, nên đã cam kết viện trợ nhiều triệu USD cho Mindanao, với điều kiện Chính phủ Philippines và MILF phải ký được thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, Malaysia trong 5 năm qua cũng tốn nhiều công sức làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa hai bên.

Theo Giáo sư Julkipli Wadi tại Viện nghiên cứu Hồi giáo của Đại học Philippines, rõ ràng không có lợi cho Manila khi hủy bỏ tiến trình hòa bình. Quân đội Philippines đã từng chiến đấu với MILF 40 năm nhưng vẫn không thể giành thắng lợi. Nếu không thiết lập hòa bình, cuộc xung đột sẽ kéo dài và cái giá mà Philippines phải trả là rất lớn.

N.MINH (Theo NYT, IHT, THX)

Chia sẻ bài viết