18/09/2011 - 07:24

THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Tìm hướng mở cho các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã quy hoạch một số cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại các quận, huyện nhằm đáp ứng yêu cầu di dời các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất CN có quy mô nhỏ và vừa vào các khu sản xuất tập trung. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các cụm CN-TTCN của các địa phương còn gặp không ít khó khăn.

Trong quá trình phát triển CN-TTCN của TP Cần Thơ, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa sẽ không thể tồn tại lâu dài nếu không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, việc mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Vì thế, thành phố đã tiến hành quy hoạch 4 cụm CN-TTCN với diện tích 162,6 ha tại 4 quận, huyện, gồm cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng (quận Ninh Kiều), cụm CN Vĩnh Thạnh, cụm CN Bình Thủy và cụm CN Ô Môn. Hiện nay, chỉ có cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng là có DN vào hoạt động, các cụm CN còn lại vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư.

Cụm CN-TTCN Cái Sơn - Hàng Bàng hiện có 24 DN đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Trong ảnh: Công nhân sản xuất bao bì tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Hưng. 

Cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng (quận Ninh Kiều) hiện có 24 DN đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Tuy nhiên do yêu cầu mở rộng đô thị, thành phố đang có chủ trương di dời các DN này vào các cụm CN-TTCN tập trung ở một số quận huyện ven đô thị. Ngoài ra, trên địa bàn quận có khoảng 1.500 DN và cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực CN-TTCN, sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống. Vì vậy, việc xem xét, phân loại các ngành nghề nào cần phải di dời khỏi khu dân cư là yêu cầu tất yếu thúc đẩy quá trình phát triển của quận trung tâm thành phố. Ngoài quận Ninh Kiều, các quận, huyện khác về lâu dài cũng cần di dời các DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN vào các khu vực tập trung để đảm bảo môi trường, địa phương dễ quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi cần mở rộng quy mô sản xuất.

Hiện nay, thành phố đã quy hoạch một số cụm CN như Bình Thủy, Ô Môn, Vĩnh Thạnh để đáp ứng yêu cầu việc di dời các DN nằm rải rác trong khu dân cư. Song việc thu hút nhà đầu tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng và di dời các DN vào hoạt động vào các cụm CN này đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như cụm CN-TTCN quận Bình Thủy được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 vào tháng 10-2007 với diện tích 61,92ha. Trong quá trình quy hoạch, quận đã xác định một số ngành nghề khuyến khích vào cụm CN-TTCN như cơ khí, may mặc, giày da, chế biến, các công trình dịch vụ phục vụ công nhân, hệ thống kho tàng, bến bãi... nhưng từ khi quy hoạch được phê duyệt đến nay, có gần 10 nhà đầu tư đến địa phương nhưng sau đó không quay lại. Gần đây nhất là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đến tìm hiểu thông tin, khảo sát thực tế nhưng đến nay vẫn chưa liên lạc với địa phương để trả lời về quyết định đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Quyền Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy: “Sự phát triển của các cụm CN-TTCN tập trung sẽ giải quyết tốt vấn đề môi trường, tạo việc làm cho người lao động, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do địa phương cũng không có cơ chế riêng mà thường phụ thuộc vào cấp thành phố”. Ông Hà cho biết thêm, mặc dù cụm CN-TTCN của quận đã được phê duyệt quy hoạch nhưng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa hoàn chỉnh, tuyến đường tỉnh lộ 917 chưa mở rộng kịp thời nên nhà đầu tư không mấy “mặn mà”. Nếu tính từ đầu đường Lê Hồng Phong (phường Trà Nóc) vào đến cụm CN-TTCN của quận có 8 cây cầu nhưng tất cả cầu chỉ cho phép xe có tải trọng 5 tấn lưu thông. Hiện nay, mặc dù tuyến đường tỉnh lộ 917 đã có dự án nâng cấp và hiện đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BT với quy mô lộ giới 30m, tải trọng cho phép là 30 tấn nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Với những khó khăn như vậy, việc kêu gọi nhà đầu tư vào cụm CN-TTCN khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Xét về góc độ địa phương, trong số 1.500 DN thuộc lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn, chỉ có một số ít DN có khả năng gây ô nhiễm môi trường còn đa phần đều có thể tồn tại và hoạt động lâu dài trong khu dân cư. Đối với những DN thuộc đối tượng bắt buộc phải di dời cần phải có lộ trình cụ thể, phải thỏa mãn lợi ích chung cho DN và người lao động. Đồng thời, cần đảm bảo cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để sau khi di dời DN nhanh chóng ổn định và khôi phục sản xuất. Trong khi chưa xác định được thời gian và địa điểm di dời, quận sẽ phối hợp cùng các sở ngành hữu quan của thành phố tạo mọi điều kiện để DN yên tâm hoạt động”. Hiện nay, Sở Công thương thành phố đang xây dựng dự thảo Đề cương thực hiện Đề án “Hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào các Khu, Cụm CN giai đoạn 2012-2015 và định hướng 2020 trên địa bàn TP Cần Thơ”.

Ngoài những cụm CN-TTCN đã được phê duyệt quy hoạch, thành phố còn có một số cụm CN đang thực hiện các thủ tục thành lập mới: như Cụm CN Cái Răng, Cụm CN Phong Điền, Cụm CN Thới Lai, Cụm CN Cờ Đỏ. Theo kiến nghị của các địa phương, về lâu dài, địa phương rất cần thành phố đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, hỗ trợ về mặt thông tin, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi mời gọi nhà đầu tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng và sớm di dời các DN, cơ sở sản xuất vào đây để hoạt động hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết