13/07/2017 - 19:17

Tìm hiểu về tính cách mở - một đặc điểm của làng xã ở Đồng bằng sông Cửu Long

Làng xã ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một bộ phận cấu thành trong làng xã Việt Nam, cho nên ở một phương diện nào đó, làng xã ở ĐBSCL vẫn duy trì những tập quán của làng xã truyền thống, như: tính bán tự trị, bán tự cấp tự túc... Nhưng, càng về phương Nam thì các đặc tính này dần dần bị thay đổi để hình thành nên những đặc tính mới.

Do điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội mà làng xã ở ĐBSCL có những nét khác biệt hết sức cơ bản so với làng xã ở Bắc bộ. Một trong những khác biệt đó là tính cách mở. Hay nói cách khác, tính cách mở là một tính cách đặc trưng của làng xã ở ĐBSCL, so với tính cách tương đối khép kín của làng xã cổ truyền ở đồng bằng sông Hồng.

Việc thích ứng đối với thiên nhiên đã làm cấu trúc làng xã ở ĐBSCL hình thành chia làng xã theo địa hình thiên nhiên sẵn có. Không có rặng tre làng để phân biệt giữa làng này với làng khác, nếu có chẳng qua cũng chỉ mang tính tượng trưng. Sự phân chia ranh giới giữa nông thôn ở ĐBSCL là các yếu tố thuộc về thiên nhiên nên ở đây mới có các danh xưng “miệt vườn”, “miệt thứ”... và sông nước đã tham gia vào cơ cấu làng làm cho làng xã ở đây có nét khu biệt. Như vậy, thiên nhiên là nguyên nhân cơ bản khiến cho làng xã ở ĐBSCL có cấu trúc mở.

Địa hình ĐBSCL được thiết lập trên một vùng đất rất thuận lợi cho việc giao lưu. Đó là một hệ thống sông ngòi chằng chịt, là điểm kết nối, giao thương giữa các vùng trong khu vực cũng như ở các quốc gia lân cận. Sông Mekong là một con sông dài, liền một dải nối Việt Nam với các quốc gia như: Lào, Campuchia, Thái Lan, nó tiếp giáp với biển với tính cách là vùng đáy châu thổ, nhưng biển lại bao quanh cả ba mặt Đông, Nam, Tây Nam, tạo cho miền cực Nam của nước Việt tư thế một cửa ngõ, một đầu cầu, có khoảng cách ngắn nhất với các vùng bán đảo và hải đảo của các nước láng giềng Đông Nam Á. Do sự tác động lẫn nhau của các yếu tố thiên nhiên nên tính cách mở đã gắn với sự năng động và đa dạng về sinh thái của vùng đất này.

Về mặt xã hội, ĐBSCL là vùng chuyển đến của cư dân tứ phương. Từ thế kỷ XVII, vùng đất ĐBSCL bắt đầu đón nhận thêm những lớp cư dân mới, với những nền văn hóa mới, đến đây cùng khẩn hoang và lập nghiệp. Lớp cư dân này phần lớn là những người buộc phải xa rời quê cha đất tổ để tìm con đường sống do hậu quả chiến tranh giữa hai tập đoàn Trịnh – Nguyễn. Trong đó cũng có một số người là nông dân, thợ thủ công nghèo, những người tha phương kiếm sống, những người không chịu nỗi sự áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến. Khu vực định cư đầu tiên của lớp cư dân này là vùng Mô Xoài (vùng Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hòa và Sài Gòn).

 

Sông quê. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Trong lớp cư dân mới đến vùng ĐBSCL vào cuối thế kỷ XVII còn có một số người Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc), mà phần đông là quan, quân nhà Minh không chịu thần phục triều đình Mãn Thanh. “Mùa hè, tháng 5, quan Tổng binh trấn thủ Long môn Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; quan Tổng binh trấn thủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem binh thuyền và gia quyến trên 3.000 người và 50 chiếc thuyền vào hai hải cảng Tư Hiền và Đà Nẵng. Họ tâu xin làm thần bộc nước ta. Họ được như ý và được chỉ định vào định cư trên đất Đồng Nai và Mỹ Tho”1. Đến với ĐBSCL vào cuối thế kỷ XVII còn có thêm một lực lượng “phản Thanh phục Minh” khác do Mạc Cửu cầm đầu. Mạc Cửu là người Châu Lôi, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Khác với nhóm Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu đến Lục Chân Lạp trước, đến vùng ĐBSCL sau. “Bấy giờ có viên di tướng nhà Minh ở Lôi Châu tên là Mạc Cửu, không chịu thần phục triều đình nhà Thanh, bỏ nước đem gia quyến sang tá túc ở Nam Vang, kinh đô Chân Lạp. Biết được tình hình ở Mang Khảm, Mạc Cửu bèn trưng mua thế, đem gia quyến tới ở Phương Thành và khai thác vùng này (...) Khi sắp xếp hành chính trong khu vực đã tương đối ổn định, dân chúng quy tụ về đã khá đông, tháng 8 năm Mậu Tý (1708) Mạc Cửu bèn sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu văn trần tình lên Triều đình Phú Xuân, xin hiến đất Hà Tiên cho Đại Việt và xin được làm quan trưởng xứ ấy. Chúa Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế Nguyễn Phúc Chu chấp thuận và sắc cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc hầu”2. Ngoài ra, khoảng thế kỷ XVIII, vùng đất ĐBSCL lại đón thêm một số lớn người Chăm đến đây sinh sống.

Cuộc sống cộng cư của các dân tộc, mà thành phần người Việt là chủ yếu, giữa vùng đất hoang vu đầy khắc nghiệt đã tạo nên sự đoàn kết, hòa thuận giữa các dân tộc anh em. Tất cả cùng chung sức khai phá vùng đất hoang với quy mô ngày càng lớn. Trong quá trình đó, họ đã biến vùng đất hoang vu, rừng rậm này trở thành những xóm làng đông đúc, ruộng đồng phì nhiêu, xây lộ, đắp cầu, dần dần hình thành chợ búa, thị tứ và từ đó trung tâm dân cư cũng được thiết lập.

Do đặc điểm về tự nhiên cũng như xã hội, từ lâu ĐBSCL đã có sự giao lưu kinh tế thông thương buôn bán trong vùng và giữa vùng với trong nước, ngoài nước. Từ xưa, ở ĐBSCL đã sớm hình thành những thị tứ, những thương cảng, như: Mỹ Tho, Bãi Sào mà tác giả sách Gia Định thành thông chí đa khen ngợi rằng “cả nước không đâu bằng”. Hay chí ít, ở các vùng giáp nước cũng đã hình thành nên các ngôi chợ làng, chợ quê như học giả Nguyễn Hiến Lê đã miêu tả: “Đi trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chợ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau. Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy”.3

ĐBSCL có nhiều dân tộc tập trung sinh sống nên sự giao lưu văn hóa rất mạnh. Từ cách thức làm ăn, trang phục, sinh hoạt... đến phong tục tập quán, ngôn ngữ. Chẳng hạn về mặt ngôn ngữ, phương ngữ ĐBSCL có nhiều từ mượn tiếng Khmer, từ mượn tiếng Quảng Đông, Triều Châu. Bởi vì hơn ở đâu hết trên nước Việt Nam, nhiều người Hoa vào đây từ cuối thế kỷ XVII trở đi để làm ăn sinh sống. Trong giao lưu, mua bán, người Việt đã tiếp nhận vào vốn từ ngữ của mình hàng trăm từ gốc Quảng Đông, Triều Châu. Văn hóa giao hòa là một mảng màu khá nổi trên vùng đất này.

Bên cạnh đó, ĐBSCL tiếp nhận nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. “Cùng với đạo thờ thần, Tam giáo cũng phát triển trong các làng xã, nhưng Phật giáo có nhiều vẻ khởi sắc nhất khi nó được chọn làm chính giáo đối với họ Nguyễn. (...) Nền tảng tinh thần cựu truyền với nội dung tín ngưỡng và tôn giáo trên đây ngay khi có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị phân hóa nhanh chóng, với sự du nhập của Công giáo trong nhiều khu vực làng xã do nỗ lực truyền đạo của nhiều thừa sai thuộc Dòng Tên, Dòng Phanxico và Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris”.4

Do tính cách mở như vậy, văn hóa dân gian lan tỏa đi khắp nơi, làm mất đi tính chất của ranh giới hành chính. Truyện cười Bác Ba Phi ngay từ khi xuất hiện nó đã được chuyển tải đi khắp nơi chứ không chỉ đóng khung ở tỉnh Cà Mau. Ngày xưa, “trên chiếc “ghe cá mui son” hay trên chiếc ghe thương hồ xuôi từ miệt chợ lớn đến tận mũi Cà Mau, người chèo ghe chỉ sử dụng có một giọng, một điệu hò. Ở đây, “ranh giới địa lý hành chánh không đồng nhất với ranh giới khu biệt các làn điệu dân ca”5

Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi

Kẻo gió giông khói đèn, bờ bụi tối tăm.

Tóm lại, ĐBSCL là vùng đất sớm hình thành nền kinh tế hàng hóa, có một thiên nhiên mênh mông, đa dạng, phì nhiêu mời gọi cư dân đến khai phá; một vùng đầy kênh rạch, sông, biển tạo điều kiện cho cư dân dễ dàng đi lại, làm ăn. Chính nền kinh tế hàng hóa đã tạo động lực cho người dân trao đổi, làm ăn, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên tính cách mở cho ĐBSCL.

TRẦN KIỀU QUANG

...................

(1) Nguyễn Văn Hầu, Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long. Tập san Sử Địa: Nam tiến của dân tộc Việt Nam. Khai Trí - 1970. Tr.6

(2) Nguyễn Đình Tư, Lịch sử thành lập tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Xưa và Nay, số 226, tháng 12-2004.

(3) Nguyễn Hiến Lê, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 2002. Tr. 34.

(4) Đỗ Hữu Nghiêm, Quá trình hình thành làng xã tại Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX. Trong cuốn “Làng xã ở Châu Á và ở Việt Nam”. NXB TP.HCM - 1995. Tr. 164.

(5) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh: Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. NXBKHXH, Hà Nội - 1992. Tr. 60.

Chia sẻ bài viết